Saturday, January 31, 2015

Steve Jobs và hành trình đi tìm sức mạnh của trực giác

Trong chuyến du ngoạn đến Ấn Độ, Steve Jobs đã nhận thức được sức mạnh từ trực giác.

Nội dung nổi bật:
- Vào năm 19 tuổi, Steve Jobs có một chuyến đi đến Ấn Độ với mục đích tìm đấng tối cao để họ truyền cho ông sự thông thái.
- Và tại đây, Jobs bắt đầu nhận thức được sức mạnh của trực giác không phải từ đấng tối cao, mà từ sự trải nghiệm trong hoàn cảnh thiếu thốn ở các ngôi làng nghèo Ấn Độ.


 
Bill Gates từng đánh giá Jobs là một gã chẳng có một khái niệm nào dù nhỏ nhất về lĩnh vực thiết kế phần mềm và chỉ là người bán hàng giỏi. Tuy vậy, Gates cũng thừa nhận Steve Jobs sỡ hữu một trực giác bẩm sinh và gu thẩm mỹ tuyệt vời.

Tuy nhiên, trực giác mà Jobs có được hoàn toàn đến từ việc tìm kiếm và luyện tập. Vào năm 19 tuổi, khi còn làm việc tại công ty điện tử Atari, Jobs đã kiếm được kha khá tiền ở đây và muốn thực hiện một chuyến hành hương dài ngày để tìm sự giác ngộ.

Niềm đam mê thế giới tâm linh phương Đông, Thiền Phật giáo hay sự tìm kiếm con đường đến với giác ngộ của Jobs không đơn thuần chỉ dừng lại ở những bồng bột thoáng qua của một thanh niên mười chín tuổi. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã tìm kiếm và theo đuổi rất nhiều giới luật cơ bản trong văn hóa phương Đông như việc nhấn mạnh vào sự hoàn hảo trí tuệ và hiểu biết có được bằng trực giác khi tập trung suy nghĩ. 

Chính điều đó đã thôi thúc ông tìm kiếm một đấng tối cao, người sẽ truyền lại cho ông sự thông thái. Và mảnh đất ông tìm kiếm đầu tiên là cuộc hành hương đến Ấn Độ.

Những người sống ở vùng nông thôn Ấn Độ không sử dụng lý trí của họ như người châu Âu vẫn làm, mà thay vào đó họ sử dụng trực giác. Và trực giác của họ phát triển hơn rất nhiều so với phần còn lại của thế giới.

Với Jobs, trực giác là một thứ gì đó đầy quyền uy, có sức mạnh lớn hơn cả trí tuệ. Nó là yếu tố có tác động lớn tới công việc của ông.

Những suy nghĩ chủ yếu dựa trên lý trí của người phương Tây không phải là đặc tính bẩm sinh của loài người. Nó được trau dồi và đúc kết qua thời gian. Có thể nói, lý trí là thành tựu vĩ đại của nền văn hóa phương Tây.

Còn ở những ngôi làng của Ấn Độ, người dân tại đây không bao giờ học cách sử dụng lý trí. Họ học những thứ khác. Tuy nhiên, những điều họ học xét trên một số phương diện sẽ rất giá trị nhưng trên một vài phương diện khác thì không. Đó là sức mạnh của trực giác và sự khôn ngoan có được từ những trải nghiệm.

Khi quay trở lại sau 7 tháng lang thang khắp các ngôi làng Ấn Độ, Jobs bắt đầu nhận thấy sự khác biệt trong con người của phương Tây cũng như khả năng chứa chất những ý nghĩ lý trí của họ. Và ông nói rằng nếu bạn ngồi và quan sát, bạn sẽ thấy cách thức mà bộ não của chúng ta hoạt động không ngừng nghỉ.

Nếu chúng ta cố gắng kiềm chế, nó chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn. Nhưng qua thời gian, não bộ của chúng ta sẽ quen dần với tình huống đó và trở nên điềm tĩnh hơn. Bạn có thể nghe thấy sự chuyển động của những sự vật nhỏ nhất, những âm thanh khẽ khàng nhất và đó chính là lúc trực giác của chúng ta bắt đầu thức giấc.

Bộ não dần dần suy nghĩ chậm lại và bạn có thể thấy thời gian như được kéo dài hơn trong cùng một khoảnh khắc. Qua đó, bạn sẽ cảm nhận được nhiều sự việc hơn so với trước đây. Đó là một quy luật, bạn phải luyện tập nó mới có thể sỡ hữu sức mạnh của trực giác.

Điều này cũng lý giải một phần mặt khuất trong nét tính cách của Steve Jobs. Ông có thể cáu gắt, đay nghiến, nhiếc móc những người có thành tích công việc kém hiệu quả. Cũng như thiếu kiềm chế hay kiên nhẫn trước những người mà Jobs cảm thấy không tôn trọng. Cách thức làm việc của Jobs có thể tàn nhẫn nhưng hầu hết những người vượt qua được thử thách của ông đều làm được nhiều hơn những gì họ có.

Steve Jobs đã không tìm được sự giác ngộ. Thay vào đó ông đã nhận thấy và sở hữu được trực giác từ những trải nghiệm thiếu thốn tại những ngôi làng nghèo ở Ấn Độ. Nhờ vậy, Jobs có thể quyết định nhiều thứ đơn giản và nhanh chóng như một cú nhấp chuột. Nó giúp ông nói không với nhiều thứ để có thể hướng sự tập trung vào một số việc thật sự quan trọng. Và tại Apple là nơi kế thừa mã di truyền của Steve Jobs.
Tri Thức Trẻ

Friday, January 30, 2015

Blog chứng khoán: Phản ứng thái quá?

Tâm lý chờ đợi đang phổ biến và dấu hiệu là hoạt động bắt đáy không lớn...

Blog chứng khoán: Phản ứng thái quá?
SSI đang gặp rủi ro ngắn hạn.


Hôm nay mối lo ngại về giảm margin đã quay lại và cũng có lý do hợp lý. Điều dở là giá rơi sâu mà bắt đáy ít như vậy tức là tâm lý thận trọng đang phổ biến.

Thị trường ngày 30/1/2015:

Giao dịch hôm nay chuyển sang tiêu cực khi thị trường phản ứng xấu với các thông tin cắt giảm margin. Đó là bằng chứng của hiệu ứng từ Thông tư 36. Điều này không mới nhưng tâm lý quá tiêu cực như vậy là bất ngờ.

Quá trình chuẩn bị cho Thông tư 36 đã kéo đủ dài để không còn tình trạng cắt margin đột ngột trên diện rộng nữa. Áp lực bán hôm nay có lẽ không phải là giải chấp vì các hợp đồng cũ vẫn bình thường. Lực bán là do lo ngại khả năng bị hạn chế đòn bẩy sau ngày 1/2/2015.

Đây chính là điều đã từng lo ngại từ khi Thông tư 36 chính thức xuất hiện: Tỷ lệ giới hạn cứng 5% khiến cho sức căng tối đa của đòn bẩy được xác định và bị giới hạn. Trong một thị trường tăng trưởng, ẩn số và điều hấp dẫn tạo dư địa tăng là sự không giới hạn của năng lực mua. Margin có thể vọt lên 20% (theo quy định cũ) dù đầu sóng chỉ là 2-3%, chưa kể trong kỳ cho vay, việc vay vượt là bình thường vì đâu cần báo cáo con số trong ngắn hạn.

Tâm lý chung vẫn là tin vào khả năng thu xếp vốn của công ty, thậm chí là lách luật. Nhưng rõ ràng việc thông báo hết khả năng cho vay như hôm nay là bằng chứng rõ ràng rằng nguồn tiền bị giới hạn.

Việc tìm kiếm một nguồn vốn khác không bao giờ là dễ dàng và nhanh gọn như chạy qua ngân hàng vay nóng cả. Nếu như trước đây công ty có thể chậm cho vay một vài ngày rồi lại được tăng hạn mức tín dụng thì sau khi Thông tư 36 có hiệu lực, điều này sẽ khó khăn hơn nhiều.

Nhìn dài hạn, sức ép của Thông tư 36 tạo lợi thế cho các công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu lớn, có khả năng vay mượn tốt (quan hệ tín dụng tốt lẫn phát hành được trái phiếu).

Các công ty nhỏ hơn, ít vốn sẽ bị giằng xé giữa việc dùng vốn chủ sở hữu để cung cấp dịch vụ hay dùng vốn để tự doanh. Nói chung cứ cho đòn bẩy ít, lúc vay thì hết nguồn là nhà đầu tư không khoái. Ngoài ra công ty nhỏ, uy tín kém thì chi phí vay vốn (trái phiếu) cao, dẫn đến lãi suất cho vay với khách hàng cao. 

Sau thời điểm 1/2, có thể các công ty lớn không còn sợ bị “chơi xấu” bằng cách cung cấp đòn bẩy vô tội vạ để lôi kéo khách hàng. Thị phần quý 1/2015 có thể thay đổi lớn.

Với thị trường hôm nay, phản ứng tâm lý hơi nhiều. Có thể chỉ là xáo trộn một phiên, có thể là dấu hiệu của một hiệu ứng xấu hơn. Tốt nhất là nên thận trọng trong một vài ngày tới, chờ thị trường ổn định trở lại. 

Tâm lý chờ đợi đang phổ biến và dấu hiệu là hoạt động bắt đáy không lớn. Đầu tuần tới là Thông tư 36 bắt đầu có hiệu lực, không rõ nguồn vốn sẽ như thế nào. Chờ đợi vài ngày cũng chẳng chết ai, do đó bắt đáy kém.

Nếu thị trường bình thường, một phiên giảm mà hàng trăm mã rơi 2-3% sẽ đẩy thanh khoản lên rất cao. Vốn nội thuần hôm nay tăng chưa tới 1% (2.046 tỷ) tức là dòng tiền hoạt động yếu.

Giao dịch:

Thị trường hôm nay có mùi, từ sớm đã thấy thông báo về margin. Cắt giảm danh mục, chờ đợi thị trường ổn định lại. Bán TCM từ 33.8-33.4 không xong, giá bán bình quân 33.5. HCM bán 32-31.9 tương đương giá cắt lỗ. SSI cắt 26.6.

Lùi stoploss cho TCM xuống 31.4, HCM xuống 31.1, SSI xuống 25. Thu hẹp danh mục còn 25% cổ.

Blog chứng khoán: Phản ứng thái quá? 1

Danh mục theo dõi:

SSI:

Thay đổi kế hoạch với SSI hôm nay khi có thông tin về margin. Nếu ở trạng thái bình thường, kế hoạch là bắt đáy quanh mức hỗ trợ 26.5. Tuy nhiên tình thế đã khác, thị trường xấu hơn. Lực bán ở SSI tăng mạnh và có thể cũng do ảnh hưởng của margin.

Lúc rơi sâu nhất trong phiên SSI về tới 26.2 đầu giờ chiều trước khi kéo hồi lại 26.7. Hai lần giao dịch ở 26.7 mà lượng bán vẫn lớn. Về cuối phiên bị đè trở lại 26.5 và đóng cửa hàng nhiều ép xuống 26.3. Chắc chắn đang có lượng hàng muốn thoát ra vì một lý do nào đó và cách bán không giống với những lần trước, thoát kiên quyết hơn, không còn chọn giá nữa.

Giá đóng cửa xuống dưới mức hỗ trợ của vùng dao động. Tuy vậy SSI vẫn chưa hoàn toàn phá vỡ vùng này, cần thêm sự khẳng định trong 1-2 phiên tới vì thị trường có thể ổn định lại. Khu vực 26.5-26.6 hôm nay cắt lỗ nhiều, chiếm gần 50% thanh khoản. Nếu SSI phục hồi lại thì phải vượt qua được vùng này.

Rủi ro thủng đáy cũ ở 25 là rất thấp trừ phi bị bán kỹ thuật. SSI có lượng cổ phiếu ESOP giá rẻ. Nên chờ đợi cho giá ổn định để giảm rủi ro, hơn là bắt đáy.

Blog chứng khoán: Phản ứng thái quá? 2

HCM:

Không những giá không quay lại lên trên 32.5 được mà còn khớp ở mức này với lượng thấp tệ hại. HCM thiếu cầu nghiêm trọng. Vol tăng nhẹ và dao động rộng hôm nay trực tiếp là hệ quả của thiếu cầu, dù áp lực bán không có gì là lớn. HCM bị ảnh hưởng từ thị trường chung. Mức hỗ trợ ngắn hạn đang ở quanh 31-31.2, mức Low của nhịp điều chỉnh đầu tiên đầu tháng 1.

Blog chứng khoán: Phản ứng thái quá? 3

TCM:

Sức ép cũng không lớn mà do cầu yếu, rút hơi sâu nên giá giảm và dao động rộng trong khi Vol không lớn. TCM vẫn chưa rơi vào trạng thái xấu, xu thế ngắn hạn vẫn là tăng. Cần chờ thêm 1-2 phiên nữa để chắc chắn xu thế có thay đổi hay không.

Blog chứng khoán: Phản ứng thái quá? 4

* “Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.  
Theo Vneconomy

Chứng khoán chiều 30/1: Tháo chạy vì hiệu ứng Thông tư 36?

Tưởng như hiệu ứng từ Thông tư 36 đã hết, nhưng đúng vào ngày cuối cùng trước khi có hiệu lực, thị trường lại có một phen hoảng hốt...

Chứng khoán chiều 30/1: Tháo chạy vì hiệu ứng Thông tư 36?
VN-Index chịu sức ép mạnh suốt cả phiên chiều nay.

Tưởng như hiệu ứng từ Thông tư 36 đã không còn, nhưng đúng vào ngày cuối cùng trước khi có hiệu lực, thị trường lại có một phen hoảng hốt.

Mặc dù đã có thông tin lan đi từ sáng, nhưng đến chiều, thị trường mới bắt đầu tỏ rõ sự lo ngại. Một số công ty chứng khoán hé lộ nguy cơ dừng cung cấp margin do hết hạn mức và theo quy định của Thông tư 36 khiến thị trường bắt đầu sợ hãi. Nhà đầu tư cứ nghĩ rằng mọi chuyên đã được giải quyết xong chuyện margin, không ngờ các công ty chứng khoán vẫn lâm vào thế kẹt.

Các cổ phiếu ngân hàng vẫn rơi sâu trong phiên chiều nay, nhưng tâm lý lo sợ lại lan rộng ra toàn thị trường và ảnh hưởng đến hầu hết các cổ phiếu. 

Độ rộng hai sàn thu hẹp rất nhanh. Lúc đóng cửa, có tới 297 mã giảm/138 mã tăng. Sáng nay mới có 266 mã giảm giảm. VN-Index đóng cửa giảm 1,24%, VN30 giảm 1,2%, HNX-Index giảm 1,6% và HNX30 giảm 2,35%.

Chỉ số giảm sâu hơn cho thấy không chỉ số lượng cổ phiếu giảm giá tăng lên mà mức độ giảm giá cũng tăng. Hai sàn lại thiếu trụ đỡ, dẫn đến tác động điểm số rất lớn.

Rổ VN30 có 15 cổ phiếu giảm giá sâu hơn phiên sáng, chỉ 7 cổ phiếu tăng cao hơn. May mắn là rổ này còn có VIC tăng 0,84%, MSN tăng 1,82%, HVG tăng 2,46%, DRC tăng 3,42%. Số mã tăng là quá ít không chỉ với bản thân các mã lớn của rổ mà còn với toàn bộ sàn: 160 mã giảm/71 mã tăng là tỷ lệ quá chênh lệch.

Rổ HNX30 thậm chí còn không có được cổ phiếu lớn nào tăng. Các mã dầu khí, chứng khoán và bất động sản đều lao dốc nặng. 

Nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay gặp hạn lớn. Vừa chịu áp lực chốt lời, lại đúng vào phiên thị trường lo sợ câu chuyện margin thu hẹp, các mã ngân hàng có một phiên chiều u ám: CTG đóng cửa giảm 4,26%, EIB giảm 2,8%, VCB giảm 3,25%, BID giảm 3,85%, MBB giảm 4,05%, STB giảm 1,04%, ACB giảm 2,82%, SHB giảm 3,23%.

Thông tin giảm đòn bẩy ảnh hưởng trước hết đến các cổ phiếu đang được đầu cơ mạnh mà bản thân nhóm ngân hàng cũng không ngoại lệ. Phong trào đầu cơ cổ phiếu ngân hàng đã lên cao khi mức lợi nhuận quá lớn và chỉ sau vài nhịp điều chỉnh, giá lại tăng. Các cổ phiếu thiên về tính cơ bản này đã mang đậm chất đầu cơ. Tốc độ tăng giá hai tuần gần đây thậm chí còn mạnh hơn cả nhiều mã đầu cơ.

Giá rơi sâu chiều nay đã kích thích hoạt động bắt đáy tăng lên. Giá trị khớp lệnh đã tăng lên 1.049,6 tỷ đồng, hơn chiều hôm qua khoảng 8%. Nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia mua vào mạnh mẽ. Khối này giải ngân nhiều vào các blue-chips thuộc rổ VN30 ở HSX như VIC, VCB, KDC, HVG, DPM, BVH. 

Tuy vậy mức bán ra với các blue-chips lại lớn hơn nhiều mua vào và các cổ phiếu quen thuộc như HPG, KDC, PVD, ITA bị xả lớn nhất. Rổ này do vậy bị rút ròng trên 34 tỷ đồng.

Bù lại các cổ phiếu ngoài rổ như DXG, VHC, MWG được mua khá tốt, cộng với VIC, DPM nên vị thế tổng thể của khối ngoại tại HSX vẫn là mua ròng 26,8 tỷ đồng. Ngoài ra các giao dịch thỏa thuận mua ròng thêm 18,75 tỷ đồng.

Khối ngoại hôm nay thực chất là tăng mua. Chỉ tính riêng các giao dịch khớp lệnh, lượng vốn vào tăng gần 46% ở hai sàn, đạt 177,2 tỷ đồng. Đây là mức giải ngân cao nhất trong 10 phiên. Dường như giá sụt giảm mạnh đã kích thích động lực mua từ khối này.
Vneconomy

Chứng khoán sáng 30/1: VN-Index cắm đầu vì ngân hàng

Đến phiên cuối tuần, lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn dè dặt nữa mà ào ào đổ ra...

Chứng khoán sáng 30/1: VN-Index cắm đầu vì ngân hàng
VN-Index cắm đầu giảm mạnh do không còn cổ phiếu trụ nào đủ sức đỡ.


Đến phiên cuối tuần, lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn dè dặt nữa mà ào ào đổ ra. Cổ phiếu ngân hàng sụt giảm sâu, kéo cả thị trường vào cảnh bán tháo.

Những cổ phiếu ngân hàng đang ở chót vót trên đỉnh cao là những mã “đi” nặng nhất: CTG giảm 3,72%, BID giảm 3,3%, EIB giảm 3,5%. Các cổ phiếu này cho tới hôm qua vẫn còn rất mạnh là đều đạt đỉnh cao mới. Đồng thời hôm nay lực chốt lời mời thực sự mạnh rõ rệt, không giống như VCB, SHB, MBB đã bị bán ròng rã mấy ngày nay.

BID - cổ phiếu nóng nhất trong nhóm ngân hàng tháng 1/2015 - đang bị xả lớn nhất. Tổng lượng khớp đã là 2,74 triệu cổ phiếu, tương đương 48,8 tỷ đồng. BID giảm 3,3% trong khi mức lợi nhuận từ đầu tháng khoảng 46,5%.

Những cổ phiếu như CTG, BID dù yếu tốt cơ bản có thay đổi ở mức nào thì tốc độ tăng giá hàng chục phần trăm trong tháng 1 cũng đã là quá nhanh. Định giá cổ phiếu thường mang tính dài hạn, còn trong ngắn hạn, từng đó lợi nhuận đổ xuống đầu tất yếu dẫn đến hoạt động khoanh lãi.

Tất cả các cổ phiếu ngân hàng sáng nay đều nằm trong nhóm giảm mạnh nhất: VCB giảm 2,98%, STB giảm 1,04%, MBB giảm 4,05%, ACB giảm 3,39%, SHB giảm 3,23%.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn này điều chỉnh sâu đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường, nhất là vào một ngày cuối tuần. Độ rộng thị trường cho thấy một tâm lý rất tiêu cực: HSX có 152 mã giảm/60 mã tăng. HNX có 114 mã giảm/47 mã tăng.

Rất ít cổ phiếu vốn hóa lớn tăng ngược dòng hôm nay để “giảm sóc” cho chỉ số: VIC tăng 0,42%, HVG tăng 1,48%, DRC tăng 2,56%, GAS tăng 0,65%. VN-Index chốt phiên sáng mất tới 1,07%, VN30-Index mất 1,2%. VN-Index một lần nữa chia tay mốc 580 điểm, chỉ còn 577,05 điểm.

Sàn Hà Nội thậm chí còn tiêu cực hơn do đồng loạt các cổ phiếu dầu khí, ngân hàng, chứng khoán cắm đầu giảm mạnh. PVS giảm 1,1%, PVC giảm 0,84%, VND giảm 1,56%, SHS giảm 1,92%, KLS giảm 0,94%, BVS giảm 1,4%, VCG giảm 2,34%, SCR giảm 4,88%... HNX-Index giảm tới 1,65%, HNX30-Index giảm 2,15%.

Thị trường chuyển biến rất xấu trong sáng nay do tâm lý yếu. Nhóm cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh ngay từ lúc mở cửa và giao dịch vẫn ổn định cho tới 11h. Chỉ trong 30 phút cuối, đồng loạt các cổ phiếu bị bán hạ giá rất nhiều, đẩy thị trường vào đợt bán tháo ồ ạt.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng không mua vào càng khiến cho tâm lý xấu hơn. Thông thường khối ngoại hay tranh thủ những phiên rơi để tăng tích lũy. Sáng nay khối lượng mua vào rất kém. Rổ VN30 chỉ có VIC được mua khá, còn lại đều nhỏ. Lượng mua chiếm chưa tới 3% thanh khoản của rổ.

Thanh khoản chung của hai sàn sáng nay cũng không tăng lên được nhiều, giá trị khớp lệnh đạt 1.173,2 tỷ đồng, xấp xỉ phiên sáng hôm qua. Do giá giảm mạnh nên khối lượng giao dịch có tăng lên. Cổ phiếu ngân hàng và các mã đầu cơ thanh khoản cao đạt quy mô khớp lớn nhất và giảm giảm sâu nhất.
Vneconomy

7 nhà đầu tư bị phạt vì thao túng giá cổ phiếu

7 nhà đầu tư cá nhân đã sử dụng các tài khoản khác nhau để giao dịch ngược chiều cùng một loại chứng khoán trong ngày giao dịch...

7 nhà đầu tư bị phạt vì thao túng giá cổ phiếu
Giao dịch tại một sàn chứng khoán - Ảnh minh họa.

Ngày 23/1/2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành một loạt quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Theo đó, bà Đỗ Thị Lệ Hằng và ông Bùi Ngọc Quốc Hưng (cùng ở Tp.HCM) bị phạt 30 triệu đồng mỗi người.

Theo Ủy ban Chứng khoán, từ ngày 7/1/2014 đến ngày 17/6/2014, bà Đỗ Thị Lệ Hằng đã sử dụng các tài khoản khác nhau để giao dịch ngược chiều cùng một loại chứng khoán trong ngày giao dịch. Còn ông Hưng cũng sử dụng cách thức giao dịch này từ ngày 2/1/2014 đến ngày 30/6/2014.

Tương tự, trước đó, ngày 21/1/2015, Ủy ban Chứng khoán đã có quyết định xử phạt ông Vòng Thành Dũng, ông Mai Ngọc Hiền và ông Mai Văn Nam (có địa chỉ tại Tp.HCM), ông ông Nguyễn Tiến Dũng (địa chỉ tại Hà Nội) với mỗi cá nhân bị phạt tiền 30 triệu đồng do sử dụng các tài khoản khác nhau để giao dịch ngược chiều cùng một loại chứng khoán trong ngày giao dịch. Thời gian giao dịch của ông Dũng và ông Vòng là từ ngày 2/1/2014 đến ngày 30/6/2014, ông Hiền từ ngày 9/1/2014 đến ngày 5/6/2014 và của ông Mai Văn Nam từ ngày 15/1/2014 đến ngày 30/6/2014.

Như vậy, tính từ đầu năm 2015 tới nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt 7 cá nhân vì hành vi thao túng giá. 

Vneconomy

Lộ trình di dời trụ sở các cơ quan ra ngoại thành Hà Nội

Quỹ đất sau khi di dời phải đấu giá công khai, ưu tiên cho công trình công cộng, không được dùng xây chung cư cao tầng...

Bộ Giao thông Vận tải  - một trong những bộ, ngành, đơn vị trong nội thành Hà Nội phải di dời trụ sở.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành quyết định về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Theo đó, các cơ sở cần phải di dời trong khu vực nội thành Hà Nội, bao gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.

Đối tượng di dời là các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở điều trị có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm lây nhiễm cao, sử dụng quá tải; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực nội thành Hà Nội không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội.

Các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm ở nội thành Hà Nội trong danh mục cần phải di dời ra ngoài nội thành.

Lộ trình và biện pháp di dời cụ thể được xác định phù hợp với điều kiện, địa điểm cụ thể và đặc điểm của từng cơ sở cần phải di dời, đảm bảo tính khả thi. Quá trình thực hiện di dời phải hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến hoạt động của các đối tượng, không ảnh hưởng tới môi trường đô thị và hoạt động xã hội của nhân dân.

UBND thành phố Hà Nội và UBND các tỉnh vùng Thủ đô có liên quan chuẩn bị quỹ đất xây dựng nơi được di dời đến phải phù hợp với vị trí, quy mô, chức năng theo quy hoạch xây dựng. Có cơ chế chính sách phù hợp với các đối tượng, đảm bảo tính khả thi để thực hiện việc di dời.

Theo quyết định của Thủ tướng, việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.

Quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho doanh nghiệp bị di dời.

Đối với những công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc cần được thực hiện bảo tồn, phục chế tôn tạo theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Ưu tiên sử dụng các công trình này cho các mục đích công cộng...

Vneconomy

Trung tâm thương mại miễn phí vĩnh viễn đầu tiên sắp mở cửa

Doanh nghiệp muốn được miễn phí thuê mặt bằng tại trung tâm thương mại V+ phải sản xuất và kinh doanh 100% sản phẩm trong nước...
V+ là trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam được chủ đầu tư miễn phí vĩnh viễn đối với các khách thuê mặt bằng.
Ngày 31/1 tới, Tập đoàn Hoà Bình sẽ chính thức khai trương trung tâm thương mại V+ tại 505 Minh Khai, Hà Nội.

Với tổng diện tích lên tới 25.000 m2, đây là trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam được chủ đầu tư miễn phí thuê mặt bằng vĩnh viễn đối với tất cả các khách thuê.

Đổi lại, điều kiện để các doanh nghiệp có thể được miễn phí thuê mặt bằng phải là những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh 100% hàng “made in Viet Nam”. Chủ đầu tư từ chối tất cả các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với nước ngoài hoặc bán hàng nhập ngoại.

Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo chiều 28/1, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình Nguyễn Hữu Đường cho hay, sau khi hoàn thành, trung tâm thương mại V+ đã được một liên doanh siêu thị lớn tại Hà Nội đặt vấn đề mua lại, song doanh nghiệp này đã từ chối.

Tập đoàn này quyết định miễn phí toàn bộ tiền thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm trong nước với mục đích khuyến khích người dân sử dụng hàng tiêu dùng do Việt Nam sản xuất.

Tuy nhiên, ông Đường cũng cho biết, mặc dù đã thông báo miễn phí từ vài tháng nay, song số doanh nghiệp đăng ký thuê mặt bằng hiện còn khá khiêm tốn, mới chỉ lấp đầy hơn một trong số 5 tầng khối đế của trung tâm thương mại này.

Lý do là bởi, khá nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện của chủ đầu tư đưa ra, như: phải bán 100% sản phẩm Việt Nam, phải để chủ đầu tư kiểm soát giá thành sản xuất, từ đó đưa ra mức giá bán ở mức thấp nhất với lợi nhuận bị khống chế tối đa 15%.

Đối với một số doanh nghiệp đã đăng ký thuê mặt bằng miễn phí, ông Đường khẳng định, các sản phẩm bày bán tại trung tâm thương mại V+ sẽ rẻ hơn từ 30 -50% sản phẩm cùng loại nếu bán ở nơi khác.

Nhân dịp này, Tập đoàn Hoà Bình cũng chính thức giới thiệu ra thị trường một số sản phẩm nước giải khát có gas, trong đó đáng chú ý là sản phẩm V Cola – một loại nước giải khát có gas tương tự Coca Cola, Pepsi do chính Hoà Bình sản xuất, với giá rẻ hơn gần 20% so với các sản phẩm cùng loại.

Theo Vneconomy

Kinh tế Việt Nam: “Vui lúc này e là quá sớm”

Nguyên Thống đốc, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm nói về những khó khăn lớn của năm 2015...
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm.
“Không thể phủ nhận thực tế rằng, nền kinh tế vẫn trong tình trạng chưa vượt lên được, tổng cầu yếu quá... Mặc dù đã có đề án tái cơ cấu kinh tế tổng thể và các đề án chi tiết, nhưng hành động rất chậm”, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm nói.

“Tổng cầu yếu quá”
Thưa ông, hiện đang có nhiều đánh giá khá lạc quan về tình hình kinh tế. Thế còn đánh giá của ông?


Đúng là tình hình kinh tế năm 2015 có triển vọng phát triển khá lạc quan. Khi nhìn lại năm 2014, với những tác động của tình hình trong nước và thế giới, những vấn đề bức xúc mà chúng ta đang phải xử lý, đặc biệt là những yếu kém, hạn chế tồn tại nhiều năm thì thấy rằng nền kinh tế đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu rất tốt.

Tình hình phục hồi khá toàn diện. Chiều hướng đi lên của nền kinh tế khá rõ rệt, phục hồi rõ hơn, toàn diện hơn, cả kinh tế-xã hội, sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu.

Đặc biệt, việc kiểm soát lạm phát, sức mua, ổn định kinh tế vĩ mô... đã bắt đầu đi vào giải quyết các vấn đề dài hạn, như cải cách cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế... Đó là những kết quả mà theo tôi, vừa giải quyết được những vấn đề bức xúc trước mắt, vừa bắt đầu đi vào dài hạn, giải quyết các yếu tố bền vững.

Từ năm 2011-2013, nền kinh tế của chúng ta rất khó khăn, chững lại. Đến năm 2014 là năm đầu tiên sau cả một giai đoạn khó khăn, nền kinh tế có chiều hướng đi lên rõ và đều.

Liệu có thể tin rằng, nền kinh tế của chúng ta đang được thay áo mới?


Theo tôi, nếu vui lúc này e là quá sớm.

Bởi nếu đặt năm 2014 trong mục tiêu dài hạn của kế hoạch 5 năm, tình hình kinh tế - xã hội vẫn bộc lộ những vấn đề rất lớn.

Kết quả thực hiện các mục tiêu về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý và tái cơ cấu nền kinh tế cũng chưa hẳn đã đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể, về kiềm chế lạm phát năm 2014 ở mức tăng rất thấp là 1,84%. Tháng 1/2015, lạm phát chỉ còn tăng trưởng âm.

Có mừng có lo quanh diễn biến của lạm phát, nhưng nhìn chung, không thể phủ nhận thực tế rằng, nền kinh tế vẫn trong tình trạng chưa vượt lên được, tổng cầu yếu quá.

“Nợ xấu còn đeo đẳng”


Tái cơ cấu nền kinh tế đang được đặt ra như một giải pháp mang tính đột phá để đưa nền kinh tế thoát khỏi giai đoạn trì trệ. Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện giải pháp này?

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tái cơ cấu nền kinh tế của chúng ta được tiến hành quá chậm chạp. Mặc dù đã có đề án tái cơ cấu kinh tế tổng thể và các đề án chi tiết, nhưng hành động rất chậm.

Nhìn tổng thể, việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đã tiến lên được một bước nhưng chưa rõ hình hài những vấn đề cần phải giải quyết để bảo đảm phát triển bền vững.

Mục tiêu của tái cấu trúc nền kinh tế là chuyển nền kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển chiều sâu, từ tốc độ sang hiệu quả... nhưng thực tế lại chưa tạo ra được những chuyển biến mạnh mẽ.

Chẳng hạn, tái cơ cấu tập đoàn và tổng công ty nhà nước đến nay còn chưa rõ mô hình, chưa có đột phá để tạo động lực cho các năm sau. Hay liên quan đến vấn đề nợ công, chúng ta chống được dàn trải, giải quyết được tình trạng tạm ứng, dây dưa nhưng nợ công vẫn đang tăng lên sát ngưỡng sàn an toàn...

Việc sắp xếp các ngân hàng cũng thế. Chúng ta đã giải quyết được những ngân hàng yếu kém, tránh được đổ vỡ hệ thống ngân hàng nhưng toàn bộ hệ thống ngân hàng đi vào chất lượng, khả năng cạnh tranh và bảo đảm khả năng hội nhập hay chưa thì vẫn còn một khoảng cách.

Nói cách khác, chúng ta mới giải quyết được vấn đề giữ ổn định nền kinh tế, làm cho nền kinh tế khỏi đổ vỡ chứ tạo yếu tố để phát triển đột phá trong thời gian tới thì chưa rõ... Đó là những vấn đề cần phải suy nghĩ và có biện pháp xử lý hiệu quả hơn.

Những khó khăn lớn của năm 2015 trong tái cơ cấu kinh tế là gì, theo ông?


Năm nay, chúng ta phải tiếp tục tiến hành tái cơ cấu kinh tế trong bối cảnh toàn bộ quá trình tái cơ cấu thực hiện những năm qua, đặc biệt trong năm 2014 chưa gắn được tái cơ cấu với đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo tôi đây là một thách thức lớn.

Đi vào từng lĩnh vực cụ thể, như về đầu tư, hệ thống cơ chế chính sách để chúng ta thu hút vốn đầu tư là chưa rõ ràng, chưa có hệ thống và chưa tạo ra được động lực. Hệ thống chính sách để thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, kể cả tư nhân trong nước và tư nhân nước ngoài, cũng chưa mạnh mẽ, chưa đáp ứng được.

Cơ chế phân bổ dẫn dắt thông qua nợ công hay thông qua đầu tư để tạo nên chuyển biến cơ cấu kinh tế cũng chưa rõ.

Hay như về sắp xếp ngân hàng, một tồn tại của lĩnh vực này hiện nay đang làm khó cho không chỉ hệ thống ngân hàng mà còn khó cho nền kinh tế đất nước, đó là vấn đề nợ xấu, nó còn đeo đẳng chúng ta không phải chỉ trong năm 2015 mà còn tiếp tục những năm sau. Trong khi, hệ thống pháp lý chưa đảm bảo để giải quyết nợ xấu, vốn để giải quyết nợ xấu không có, vốn hỗ trợ để xử lý trong đó có cả ngân sách Nhà nước chưa có chủ trương rõ ràng.
 Theo Vneconomy

Thursday, January 29, 2015

Nước nào có môi trường kinh doanh thân thiện nhất?

Các nước khá nhỏ bé và có nền kinh tế được tổ chức tốt như Singapore và New Zealand dẫn đầu danh sách 187 quốc gia được World Bank xếp hạng trong báo cáo thường niên “Ease of Doing Business”.

 

Ngân hàng thế giới (World Bank) vừa công bố báo cáo mới nhất cập nhật xếp hạng về môi trường kinh doanh của các quốc gia trên toàn thế giới. Theo đó, những nước có môi trường kinh doanh dễ dàng nhất cho các doanh nghiệp lại không phải là những cái tên lớn như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đứng số 90 và gần như không cải thiện so với 2 năm trước. Khi đó Trung Quốc xếp thứ 93 trong số 189 nước trong bảng xếp hạng.
Đây là năm thứ 12 World Bank công bố báo cáo này. Báo cáo được xây dựng dựa trên các chỉ số định lượng về luật lệ kinh doanh có thể so sánh môi trường kinh doanh của 189 quốc gia.
Các chỉ số này đo lường môi trường để doanh nghiệp khởi nghiệp, xin cấp giấy phép xây dựng, có điện, đăng ký quyền sở hữu, nhận tín dụng, bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số, đóng thuế, giao dịch xuyên biên giới, thực thi hợp đồng và giải quyết tình trạng vỡ nợ.
Estonia, Đức và Thụy Sĩ đã có những bước tiến đáng kể và đã lọt vào top 20, trong khi các quốc gia còn lại không có nhiều thay đổi.
Syria, Afghanistan, Venezuela và Cộng hòa Trung Phi là những nước có môi trường kinh doanh tệ nhất.
Việt Nam xếp thứ 141 trong bảng xếp hạng này. Việt Nam là một trong 11 nền kinh tế thực hiện chính sách giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp – động thái phổ biến nhất của các cải cách thuế trong giai đoạn 2013/14.
10 nước có môi trường kinh doanh thân thiện nhất
10 nước có môi trường kinh doanh thân thiện nhất.

Và 10 nước đứng ở cuối bảng xếp hạng
Và 10 nước đứng ở cuối bảng xếp hạng.

 InfoNet/Business Insider

Wednesday, January 28, 2015

Nhà đầu tư quốc tế săn lùng đất ở Sài Gòn

Nhiều quỹ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản quốc tế đang tìm mua đất sạch để chuẩn bị cho việc nhập cuộc vào thị trường bất động sản TP HCM trong năm 2015.
Đầu năm 2015, một quỹ đầu tư bất động sản đến từ Luxembourg đang đặt hàng nhiều đối tác nội địa săn lùng quỹ đất sạch tại các địa bàn quận 8, 9, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, Nhà Bè để phát triển nhà chung cư. Quy mô đất mà đơn vị này tìm kiếm có diện tích 3.000-30.000 m2, phân khúc được định vị là căn hộ vừa túi tiền, giá trên dưới một tỷ đồng.

Theo nguồn tin từ quỹ đầu tư này, ngoài việc tập trung săn quỹ đất sạch, đơn vị còn tìm kiếm các đối tác có tiềm lực trong nước để liên kết, hợp tác đầu tư địa ốc trên địa bàn TP HCM.

Trong báo cáo thị trường bất động sản TP HCM vừa công bố đầu tháng 1, CBRE Việt Nam đã điểm qua thương vụ Keppel Land mua khu đất dự án của Công ty Tiến Phước. Ngoài ra, có hai nhà đầu tư ngoại là Tung Shin và Lemograss Master Fund cũng đã lần lượt thâu tóm dự án Movenpick Sài Gòn (khách sạn) và Indochie Park Tower (căn hộ dịch vụ).

Trong tuần đầu tiên của tháng 1/2015, triệu phú địa ốc Kenvin Green (đang sở hữu 800 bất động sản các loại tại Anh) vừa có chuyến giao lưu, khảo sát và gặp gỡ đối tác hoạt động cùng ngành tại TP HCM. Là một trong những doanh nghiệp tiếp xúc với Kenvin Green, Chủ tịch Công ty địa ốc Khải Hoàn Land, Nguyễn Khải Hoàn cho biết, Kenvin Green tiết lộ không chỉ cá nhân ông mà các đối tác của tập đoàn cũng bắt đầu có sự quan tâm đặc biệt đến thị trường Việt Nam.

Cuối năm 2014, một quỹ đầu tư Nhật là Creed Group cũng đã công bố rót vốn mua cổ phần 3 dự án bất động sản của Công ty cổ phần đầu tư Năm Bảy Bảy. Đầu năm 2015, một trong các dự án này là City Gate (tại Đại lộ Võ Văn Kiệt, TP HCM) đã được tái khởi công nhờ nguồn vốn ngoại và chào bán sản phẩm ra thị trường.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh, Lương Trí Thìn nhận xét, bất động sản TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang được các nhà đầu tư quốc tế đặc biệt quan tâm trong vòng 6-12 tháng qua. Thị trường không chỉ đón các tên tuổi quen thuộc đến từ châu Á như: Nhật, Singapore, Hong Kong, Malaysia mà còn ghi nhận thêm không ít nhà đầu tư châu Âu, Mỹ với thương hiệu mới xuất hiện lần đầu, đang âm thầm quan sát và săn hàng.

Ông Thìn đánh giá, các thương vụ mua bán, sáp nhập, đầu tư, liên doanh liên kết trong lĩnh vực địa ốc đang có nhiều chuyển động mạnh dần. Chiều hướng tích cực thể hiện qua việc dòng vốn ngoại đổ vào bất động sản tăng lên. Chính sách nới lỏng đầu tư cho khối ngoại trong Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cũng là cú hích tâm lý cho các nhà đầu tư ngoại. "Năm 2015, các giao dịch đất dự án sẽ được đẩy mạnh vì khi thị trường có dấu hiệu phục hồi, các nhà đầu tư phát triển địa ốc trong nước và quốc tế đều phải chuẩn bị trước quỹ đất để kịp bung hàng ra thị trường", ông dự báo.

Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, Marc Townsend phân tích, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường địa ốc Việt Nam vẫn rất lớn, đặc biệt tập trung vào TP HCM và các đô thị lớn. Tuy nhiên, theo ông, hầu hết các giao dịch đầu tư vẫn gặp trở ngại liên quan đến giá cả khiến cho các thương vụ kéo dài thời gian. "Thị trường bất động sản Việt Nam cần nhiều cách tiếp cận thực tiễn và minh bạch hơn nữa để nhà đầu tư quốc tế hội nhập sâu rộng hơn", ông nhận xét.
Vnexpress

Nielsen: Người Việt thích tiết kiệm, ngại đầu tư

Trong số 6 nước Đông Nam Á, tỷ lệ người Việt thích sử dụng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm cao nhất, trong khi mong muốn đầu tư lại thấp nhất.

Kết quả theo dõi hành vi người tiêu dùng vừa được hãng nghiên cứu Nielsen công bố cho thấy trong số 6 quốc gia châu Á được khảo sát, Việt Nam là nước người tiêu dùng thích tiết kiệm nhất. Có tới 77% người Việt dùng tiền nhàn rỗi của mình để tiết kiệm, cao hơn nhiều so với các quốc gia lân cận như Singapore (62%) hay Thái Lan (63%).

Trong khi đó, nhu cầu đầu tư chứng khoán, đầu tư vào các quỹ tại Việt Nam lại ở mức thấp. Chỉ có 18% người Việt được Nielsen khảo sát cho biết họ dùng tiền dư thừa để mua cổ phiếu hay rót vào các quỹ. Người dân 5 quốc gia Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan đều thích đầu tư hơn, với tỷ lệ từ 21% đến 33%.

Báo cáo của Nielsen cũng cho thấy, 86% người Việt đã thay đổi thói quen tiêu dùng trong 12 tháng qua theo hướng giảm chi tiêu trong gia đình vì lo ngại tình hình kinh tế chưa tốt lên. Để giảm chi tiêu, 60% người Việt cũng cắt chi phí giải trí bên ngoài gia đình.

Mặc dù vậy, niềm tin người tiêu dùng Việt vừa có quý tăng thứ ba liên tiếp. Trong quý cuối cùng của năm 2014, chỉ số này tăng 4 điểm trong nghiên cứu được Nielsen thực hiện ở 60 quốc gia. Với điểm số trên 100 thể hiện sự tự tin của người tiêu dùng, Việt Nam được đánh giá 106 điểm. Chỉ có 16 trên 60 quốc gia được khảo sát có mức điểm trên 100.

Trong số 10 nước nhận điểm niềm tin tiêu dùng cao nhất có tới 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam. Còn người tiêu dùng Malaysia vẫn tỏ ra kém tự tin về triển vọng kinh tế, giảm 10 điểm so với quý trước xuống 89 điểm.
Khảo sát của Nielsen về hành vi người tiêu dùng Việt Kết quả quý IV/2014 Thay đổi so với quý trước
Lòng tin người tiêu dùng 106 điểm Tăng 4 điểm
Tỷ lệ người tin rằng kinh tế đang suy thoái 58% Giảm 19%
Tỷ lệ người Việt dùng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm 77%  Không đổi
Tỷ lệ người dùng tiền thừa mua quần áo 35% Không đổi
Một khảo sát khác của Nielsen cũng cho thấy, người Việt hiện nay yên tâm hơn về tình hình kinh tế. Có 58% người được hỏi cho rằng kinh tế đang trong suy thoái, giảm 19% so với kết quả quý trước.
Mặc dù vậy, tỷ lệ này vẫn cao hơn trung bình khu vực. Tính chung toàn châu Á Thái Bình Dương, tỷ lệ người dân vẫn còn nỗi lo suy thoái là 41%. Còn ở Trung Quốc, tỷ lệ này là 22% và Singapore là 27%. Khảo sát của Nielsen được thực hiện từ ngày 10 đến 28/11, phỏng vấn hơn 30.000 người tại 60 quốc gia ở tất cả các châu lục.
Khi được đề nghị chọn 3 nỗi lo lắng lớn nhất trong 6 tháng tới, đa số người Việt cho biết họ lo nhất về vấn đề sức khỏe, sau đó đến kinh tế và việc làm.
Vnexpress

Người Malaysia bi quan, 60% người Việt giảm chi tiêu

Niềm tin tiêu dùng ở Malaysia hiện rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009, trong khi các nước Đông Nam Á khác cũng tin rằng mình đang trải qua một cuộc suy thoái kinh tế. 

Người tiêu dùng Malaysia cảm thấy áp lực khi chính phủ nước này áp dụng thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) bắt đầu từ cuối năm 2015
Theo kết quả khảo sát mới nhất từ Công ty nghiên cứu Nielsen, tại thời điểm này người tiêu dùng Malaysia tự ti nhất trong khu vực, với niềm tin tiêu dùng trong quý 4-2014 dưới mức trung bình toàn cầu.

Có 4/6 nước tham gia khảo sát  gồm Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Indonesia cho rằng quốc gia họ đang trải qua một cuộc suy thoái kinh tế. Vì thế tất cả đều hạn chế thói quen chi tiêu. 

Người dân Thái Lan, Malaysia, Indonesia lo ngại nhiều nhất, trong khi Singapore và Philippines chia sẻ nỗi sợ về an ninh việc làm.

"Nhìn chung, niềm tin tiêu dùng trong khu vực vẫn tương đối ổn định", theo nhận định của chuyên gia Vishal Bali thuộc bộ phận Consumerisation Practice của Nielsen tại Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương.

"Người tiêu dùng Đông Nam Á vẫn tiếp tục đưa quốc gia họ nằm trong nhóm nước tự tin nhất thế giới. Chỉ trừ Malaysia rớt xuống mức tệ nhất tính từ quý 2-2009 vì người dân cảm thấy áp lực khi chính phủ áp dụng thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) bắt đầu từ cuối năm 2015, và sự thiếu chắc chắn về khả năng tác động của loại thuế này lên giá cả hàng hóa và chi phí sinh hoạt".

Tuy nhiên, hơn 6/10 người tiêu dùng ở Malaysia (65%) và Philippines (62%) đang chi tiêu ít hơn cho việc mua sắm quần áo mới, trong khi có 60% người Việt Nam và 56% người Thái Lan cắt giảm hoạt động vui chơi giải trí để giảm chi tiêu hộ gia đình.

Ở các nước Đông Nam Á khác, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu ở mảng nâng cấp công nghệ, chuyển sang dùng các thương hiệu tạp hóa rẻ tiền hơn, tiết kiệm xăng và điện, giảm nghỉ lễ…

Dù niềm tin tiêu dùng nhìn chung ổn định nhưng người dân Đông Nam Á vẫn bày tỏ lo ngại về các vấn đề an ninh, việc làm, sức khỏe nền kinh tế và những hệ lụy từ việc chi tiêu thận trọng của chính mình. "Đó là cảm giác tránh nợ phổ biến trong khu vực đến từ tình hình hạn chế tiêu tiền mạnh tay".

Kết quả nghiên cứu của Nielsen cũng tương đồng với cuộc khảo sát riêng biệt của Hãng phát hành thẻ tín dụng MasterCard hồi đầu tháng 1-2015 cho thấy mức độ tin cậy ở châu Á nhìn chung giảm sút, nhất là Malaysia. Tuy nhiên, trừ Malaysia, phần còn lại của Đông Nam Á vẫn có kết quả cao hơn mức trung bình thế giới, đặc biệt là Indonesia. 
Theo Tuổi trẻ

1% người giàu nhất nắm giữ một nửa tài sản thế giới

Bất bình đẳng được cho là đe doạ đến tiến trình chống nghèo đói trên thế giới, làm ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc và chế độ dân chủ.
Bất bình đẳng là một vấn đề nổi cộm được cả thế giới quan tâm. Năm 2014 đánh dấu sự bùng nổ về hiện tượng bất bình đẳng qua những sự kiện như Chiếm lấy phố Wall tại Mỹ và lan rộng ra các nước châu Á.


Bất bình đẳng được cho là đe doạ đến tiến trình chống nghèo đói trên thế giới, làm ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc và chế độ dân chủ, nên nhiều biện pháp đã được cân nhắc và thực hiện với mục đích giảm thiểu hiện tượng này. Tuy nhiên, trước thềm hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2015 tại Davos, Tổ chức Oxfam đã công bố một báo cáo mới về hiện tượng bất bình đẳng và cho thấy sự gia tăng không ngờ của nó. Thực trạng bất bình đẳng được khái quát qua 4 vấn đề như sau:

1. Phần lớn tài sản trên toàn thế giới tập trung vào một nhóm nhỏ

Theo báo cáo của Credit Suisse được trích dẫn trong báo cáo mới nhất của Oxfam, năm 2010 đánh dấu hiện tượng một phần lớn tài sản toàn cầu tăng lên mạnh mẽ tập trung trong 1% người giàu nhất.

Báo cáo mới nhất của Oxfam cũng chỉ ra rằng, trong năm 2014, 1% những người giàu nhất trong dân số toàn cầu sở hữu 48% tổng giá trị tài sản. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng không chỉ dừng lại ở 1% và 99%, mà nó còn xảy ra trong nhóm 99%. 20% người giàu nhất trong nhóm 99% được cho là sở hữu 46,5% tổng giá trị tài sản và kết quả là 80% người trong số 99% còn lại chia sẻ chỉ 5,5% giá trị tổng tài sản trên toàn cầu.

Nếu xu hướng này tiếp tục, Oxfam dự báo cho đến năm 2016 sở hữu tài sản toàn cầu của 1% những người giàu nhất sẽ vượt qua 50% giá trị tài sản toàn cầu.

2. Chỉ số ít lĩnh vực kinh tế quan trọng mang lại giá trị tài sản vượt bậc gây nên hiện tượng bất bình đẳng

Chỉ có một số ngành kinh tế quan trọng góp phần tích lũy của cải của các tỷ phú trên toàn thế giới. Theo thống kê vào tháng 3 năm 2014, 20% trong số các tỷ phú đã thu nhận giá trị tài sản vượt bậc đã tham gia hoạt động, hoặc liên quan đến các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm. Kể từ tháng Ba năm 2013, đã có 37 tỷ phú mới từ các lĩnh vực này. Sự giàu có về của cải tích lũy của các tỷ phú từ các lĩnh vực tài chính và bảo hiểm tăng từ 1 nghìn tỷ USD đến 1,16 nghìn tỷ USD trong một năm, mức tăng danh nghĩa là 150 tỷ USD, tương đương 15%.

Bên cạnh đó, thời gian từ giữa năm 2013 đến 2014 các hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm và y tế mang lại sự gia tăng lớn nhất về của cải của nhóm giàu nhất. Sự giàu có của nhóm tỷ phú trong lĩnh vực này tăng từ 170 tỷ USD đến 250 tỷ USD, tăng 47% và đây là tỷ lệ gia tăng lớn nhất về giá trị tài sản trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau trên danh sách của Forbes.

3. Các hành vi trục lợi như vận động hành lang hay bóp méo chính sách là nguyên nhân làm trầm trọng hơn sự bất bình đẳng

Các công ty trong ngành tài chính và dược phẩm đã chi hàng triệu USD trong năm 2013 để vận động hành lang cho các chính sách mang lại lợi ích cho họ.

Các công ty trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm và dược phẩm/y tế được cho là có nhiều hoạt động sử dụng các nguồn lực cho ảnh hưởng về kinh tế và chính trị biểu hiện qua việc vận động hành lang chính phủ, về các vấn đề chính sách có lợi cho họ.

Trong khi các tập đoàn từ các lĩnh vực tài chính và bảo hiểm dành nguồn lực vận động hành lang để theo đuổi lợi ích riêng của họ, và kết quả lợi nhuận của họ gia tăng cùng với sự giàu lên của các cá nhân tham gia vào lĩnh vực này, thì những người bình thường phải tiếp tục trả giá của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Các công ty từ các lĩnh vực dược phẩm và y tế đã chi hơn 500 triệu USD vào việc vận động các nhà hoạch định chính sách ở Washington và Brussels.

Trong cuộc khủng hoảng Ebola, ba công ty dược phẩm lớn là thành viên của Liên đoàn quốc tế các nhà sản xuất dược phẩm (IFPMA) đã thực hiện việc đóng góp lớn nhất cho nỗ lực cứu trợ Ebola, họ quyên góp được hơn 3 triệu USD bằng tiền mặt và thiết bị y tế. Trong khi đó, cũng chính ba công ty này được cho là đã chi trả hơn 18 triệu USD cho hoạt động vận động hành lang tại Mỹ trong năm 2013.

Như vậy, việc đầu tư chi phí tài chính khổng lồ vào các hoạt động vận động hành lang chỉ mang lại lợi ích cho nhóm 1% người giàu nhất trong khi những người còn lại phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt chi phí cho các hoạt động cơ bản trong cuộc sống như giáo dục và y tế.

Các hoạt động kinh tế vận động hành lang nhiều nhất ở Mỹ thường tập trung vào chính sách phân bổ ngân sách và thuế. Các quyết định đầu tư được tính toán bằng cách chi hàng tỉ USD cho việc vận động hành lang thông qua tiếp cận trực tiếp với các nhà hoạch định chính sách và pháp luật ở Washington và Brussels. Các doanh nghiệp thực hiện hành vi này với hi vọng lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh thuận lợi sẽ bù đắp chi phí vận động hành lang. Các chiến dịch vận động hành lang mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhưng gây nên nhiều hậu quả xấu cho xã hội. Đặc biệt vận động về các vấn đề thuế có thể trực tiếp làm suy yếu lợi ích công cộng.

4. Khuyến nghị về mặt chính sách làm giảm bất bình đẳng

Những năm tiếp theo theo dự đoán của tổ chức Oxfam vấn đề bất bình đẳng về thu nhập sẽ khó có thể thuyên giảm, bên cạnh đó chúng còn mang xu hướng gia tăng không ngừng đe doạ đến hoạt động chống lại đói nghèo, đoàn kết dân tộc và chế độ dân chủ trên toàn thế thới. Do đó, Oxfam cũng đã đưa ra 9 khuyến nghị đến các quốc gia trên thế giới nhằm làm giảm bất bình đẳng.

Thứ nhất, các chính phủ phải đưa ra các chính sách có lợi cho công dân của mình và làm giảm bất bình đẳng.

Thứ hai, tăng cường bình đẳng kinh tế và các quyền cho phụ nữ.

Thứ ba, đảm bảo một mức lương đủ tiêu chuẩn sống cho người lao động và thu hẹp khoảng cách về lương.

Thứ tư, chia sẻ gánh nặng thuế một cách công bằng.

Thứ năm, ngăn chặn hành vi trốn thuế quốc tế và tăng cường quản lí hệ thống thuế tốt hơn.

Thứ sáu, đến năm 2020 đạt được mục tiêu về các dịch vụ công cơ bản miễn phí.

Thứ bảy, thay đổi hệ thống nghiên cứu và phát triển từ đó bình ổn giá các loại thuốc để mọi người có nhu cầu đều có thể tiếp cận.

Thứ tám, thực hiện cách chính sachs bảo trợ xã hội cho người già, trẻ em và những người khó khăn trong xã hội.

Thứ chín, xây dựng hệ thống tài chính phát triển để làm giảm bất bình đẳng, xoá đói nghèo và nâng cao sự gắn kết giữa công dân và chính phủ.

Bất bình đẳng là một vấn đề nghiêm trọng đòi hỏi một sự phối hợp giữa các quốc gia trên thế giới và sự phối hợp chặc chẽ giữa chính phủ và công dân trong mỗi quốc gia, cải thiện tình trạng bất bình đẳng hiện nay sẽ góp phần xây dựng nguồn lực để giảm thiểu đói nghèo, tăng tinh thần đoàn kết dân tộc và củng cố nền dân chủ trên thế giới.
  Theo Trí Thức Trẻ

Friday, January 23, 2015

Kinh tế Việt Nam đã chính thức hồi phục

Theo các nhận định của các chuyên gia tại “Hội thảo Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2015: Hội nhập sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt” sáng nay (22/1), nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi, tuy nhiên năm 2015 vẫn còn nhiều thách thức.

Kinh tế có bước phục hồi
Để trả lời câu hỏi, kinh tế Việt Nam năm 2015 có thực sự phục hồi chưa và năm 2015, Chính phủ định hướng gì cho doanh nghiệp trước thách thức? Ông Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết, từ quý III/2013, kinh tế Việt Nam đã bắt đầu phục hồi. Về vĩ mô, chúng ta đã đầy lùi được bóng ma lạm phát. Tất cả chính sách tài khóa, kể cả bội chi và chính sách tiền tệ đều không gây ra lạm phát. Dư địa để chính sách lớn bước sang 2015 rất thuận lợi.
Trên địa bàn TP. HCM, nếu năm 2014, doanh nghiệp hình thành 3 nhóm rõ nét, là làm ăn tốt ngay trong thời kỳ kinh tế khó khăn; chống đỡ cực kỳ khó khăn để tồn tại cho đến hôm nay; và ngừng hoạt động, thì đến năm 2015, tình hình đã cải thiện hơn. Cụ thể, nhóm thứ nhất sẽ lớn mạnh và nhóm thứ hai sẽ phát triển ổn định, tiến tới việc có một số doanh nghiệp gia nhập nhóm đầu tiên.
Nói về những định hướng của Chính phủ trong 2015, chưa bao giờ chính sách vĩ mô nhất quán như bây giờ, là không nóng vội để xử lý tăng trưởng, mà ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện hệ thống pháp luật thông thoáng. “Tôi kỳ vọng kinh tế Việt Nam năm 2015 vượt qua 6,2%”, ông Lịch nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá, năm 2015 sẽ có những vấn đề chủ chốt được khơi thông, như chính sách tiền tệ về tín dụng và quản lý nợ xấu, hội nhập quốc tế, cải cách cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, đầu tư công và giám sát tài chính nhằm phòng ngừa rủi ro.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2014 là năm thể hiện rõ nhất sự phục hồi trong lĩnh vực tiền tệ. Điều đáng chú ý là trên thị trường tiền tệ, trần lãi suất huy động chỉ áp dụng kỳ hạn 6 tháng và trên 6 tháng, đã giúp lãi suất không còn là công cụ cạnh tranh, giúp các tổ chức tín dụng có nguồn vồn dài và ổn định hơn. Thị trường ngoại hối và thị trường vàng năm qua khá ổn định.
Về thị trường bất động sản, ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết: “Chúng ta nhìn thấy một lần nữa dòng tiền chảy vào thị trường bất động sản”.
Dự báo về triển vọng năm 2015, ông Marc Townsend cho biết, năm 2015, thị trường Việt Nam vẫn nằm trong những thị trường Đông Nam Á dẫn đầu về tỷ suất lợi nhuận cho thuê căn hộ và văn phòng. Sẽ có sự trở lại của thị trường nhà nghỉ dưỡng, vấn đề tiếp thị và thương hiệu ngày càng quan trọng và thị trường bất động sản bắt đầu xuất hiện các nhà đầu tư.  
Còn rất nhiều thách thức
Nói về những thách thức về kinh tế Việt Nam nói chung và thế giới nói riêng, ông Marc Townsend cho biết, thời điểm đen tối đã ở sau lưng, nhưng những vấn đề của toàn cầu và khu vực vẫn còn đó. Việt Nam phải đối mặt và giải quyết vấn đề chỉnh trang đô thị; sử dụng đất không đúng mục đích; quản trị con người, thông tin thị trường cần đầy đủ, minh bạch và kịp thời hơn.
Cũng theo ông Marc Townsend, đã đến lúc Việt Nam xem lại kế hoạch đầu tư vào các thành phố cấp 3 và 4, người mua nhà nên tỉnh táo để quyết định mua để ở hay mua để đầu tư. Những thách thức về định giá, nguồn vốn, sự minh bạch và kinh nghiệm vẫn còn.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen cho biết, thách thức của kinh tế Việt Nam trong những năm tới vẫn còn. Các Hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA là cơ hội nếu  các doanh nghiệp trong nước biết chuẩn bị nội lực, nếu không, tình trạng “hụt hơi” ngay trên sân nhà là điều không thể tránh khỏi.
Ngọc Quỳnh/Đầu Tư Chứng Khoán

Năm 2014, đầu tư theo chỉ số nào trên HOSE lãi nhất?

Trong năm 2014, chỉ số VN30 tăng trưởng chậm hơn so với năm 2013. Tính đến 25/12/2014, VN30 đạt 585,19 điểm, tăng 23,19 điểm, tương đương 4,13% so với ngày 01/01/2014 (năm 2013, VN30 tăng 14,34%), trong đó mức cao nhất là 689, 32 điểm (24/3/2014)  và mức thấp nhất là 560,11 điểm (13/05/2014).
Đến cuối quý III/2014, giá trị vốn hóa của các cổ phiếu trong VN30 đạt 633.319 tỷ đồng, chiếm 59,16 % tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường. Ảnh: Lê Toàn

VN30
Trong năm 2014, chỉ số VN30 tăng trưởng chậm hơn so với năm 2013. Tính đến 25/12/2014, VN30 đạt 585,19 điểm, tăng 23,19 điểm, tương đương 4,13% so với ngày 01/01/2014 (năm 2013, VN30 tăng 14,34%), trong đó mức cao nhất là 689, 32 điểm (24/3/2014)  và mức thấp nhất là 560,11 điểm (13/05/2014).

Giá trị vốn hóa của rổ VN30 vẫn khá ổn định, cuối quý III/2014, giá trị vốn hóa của các cổ phiếu trong VN30 đạt 633.319 tỷ đồng, chiếm 59,16% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường, trong đó dẫn đầu là cổ phiếu VNM, đạt 105.012 tỷ đồng, bằng 9,81% so với toàn thị trường. 

Giá trị giao dịch bình quân của rổ VN30 tính đến hết quý III/2014 là 1.262 tỷ đồng/phiên, chiếm 59,51% tổng giá trị giao dịch bình quân của toàn thị trường. Trong đó, FLC là mã chứng khoán có giá trị giao dịch bình quân lớn nhất, gấp 1,26 lần mã chứng khoán VIC đứng ở vị trí thứ 2.

Tổng doanh thu của nhóm chỉ số VN30 sau 9 tháng đầu năm ước đạt 209.760 tỷ đồng, chiếm 50% tổng doanh thu toàn thị trường. Có 8 cổ phiếu VNM, HPG, VIC, PVD, FPT, DPM, HAG và REE) thuộc danh mục VN30 thường xuyên nằm trong top 10 công ty dẫn đầu về lợi nhuận trên toàn thị trường. Đến hết quý III/2014, gần 1 nửa số công ty thuộc VN30 đạt được mức lợi nhuận trên 70% kế hoạch, trong đó có 4 công ty hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của năm 2014 là CII, CSM, HAG và HPG. 

VNM là mã cổ phiếu dẫn đầu các cổ phiếu trong rổ về doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế và chỉ tiêu ROA trong 9 tháng đầu năm 2014. HPG là cổ phiếu có ROE đứng đầu và ROA đứng thứ 2 trong rổ VN30. FPT, CTG, VIC là các mã tiếp theo chiếm được nhiều vị trí trong Top 3 về doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế, ROA và ROE (30/09/2014). Tuy nhiên, chốt tại thời điểm 25/12/2014, dẫn đầu về tăng giá trong nhóm VN30 lại là IJC với 48,31%, SSI (46,67%) và DRC (46,53%) so với giá đóng cửa ngày 02/01/2014.

VNMidcap
 
Chỉ số VNMidcap cuối ngày 25/12/2014 đạt 620,30 điểm, tăng 95,27 điểm, tương đương 18,15% so với ngày 01/01/2014. Cùng kỳ năm ngoái, VNMidcap tăng 30,32%. VNMidcap đạt mức cao nhất  678,41 điểm (10/7/2014) và mức thấp nhất 508,73 điểm (13/05/2014). 

Tổng giá trị vốn hóa của rổ VNMidcap tính đến hết 30/09/2014 đạt 111.813 tỷ đồng, chiếm 10,44% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường. Trong đó, Top 10 cổ phiếu chiếm 37,84% giá trị vốn hóa của rổ với vị trí Top 3 lần lượt là DHG, KBC và VCF.

Giá trị giao dịch bình quân của rổ VNMidcap tính đến hết quý III/2014 là 465,99 tỷ đồng/phiên, chiếm 21,97% tổng giá trị giao dịch bình quân của toàn thị trường. SAM, HQC, HVG là 3 mã chứng khoán có giá trị giao dịch bình quân cao nhất nhóm chỉ số này.

Tổng doanh thu của nhóm chỉ số VNMidcap 9 tháng đầu năm ước đạt 95.550 tỷ đồng, chiếm 22,43% tổng doanh thu toàn thị trường. Tính đến hết quý III/2014, nhóm VNMidcap có chỉ tiêu ROA bình quân là 3,56%, chỉ tiêu ROE đạt 8,01%. Trong đó, cổ phiếu HVG có doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế cao nhất. Cổ phiếu DVP và CNG lần lượt chiếm vị trí cao nhất về chỉ tiêu ROA, ROE. Về tăng giá, HT1 đã có sự tăng trưởng lớn trong năm 2014, đến 25/12/2014, HT1 đạt được mức tăng lên đến 216,98% so với đầu năm, gấp đôi cổ phiếu DQC ở vị trí thứ 2 với mức tăng giá cũng rất đáng kể là 106,67%.
VNSmallcap
Chỉ số VNSmallcap có mức tăng trưởng tốt nhất trong nhóm HOSE Index, cuối ngày 25/12/2014, chỉ số này đạt 668,49 điểm, tăng 137,15 điểm, tương đương 25,81% so với ngày 02/01/2014, cùng kỳ năm ngoái, VNSmallcap tăng 122,53 điểm, tương đương 29,47%. VNSmallcap đạt mức cao nhất ở 744,71 điểm (20/11/2014) và mức thấp nhất ở 526,68 điểm (13/05/2014). 

Tổng giá trị vốn hóa của rổ VNSmallcap tính đến hết ngày 30/09/2014 đạt 42.833 tỷ đồng, chỉ chiếm 4% so với tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường, trong đó top 10 chiếm 19,25% so với giá trị vốn hóa toàn rổ. Cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất là ASM, đạt 1.238 tỷ đồng.

Tuy giá trị vốn hóa thấp nhưng trong năm 2014, chỉ số VNSmallcap có tình hình giao dịch khá sôi động. Giá trị giao dịch bình quân của rổ VNSmallcap tính đến hết quý III/2014 là 271 tỷ đồng/phiên, chiếm 12,78% tổng giá trị giao dịch bình quân của toàn thị trường. Đây cũng là nhóm chỉ số có nhiều mã chứng khoán tăng giá mạnh nhất trong năm qua, có đến 4 cổ phiếu có mức tăng trên 150%, trong đó cao nhất là TSC với mức tăng đột biến, lên đến 353,85%.

Tổng doanh thu của nhóm chỉ số VNSmallcap 9 tháng đầu năm ước đạt 73.210 tỷ đồng, chiếm 17,19% tổng doanh thu toàn thị trường, dẫn đầu là cổ phiếu VMD, SMC và SAC, nhưng đứng đầu về lợi nhuận sau thuế lại là PTB, VHG và NNC. Tính đến hết quý III/2014, nhóm VNSmallcap có chỉ tiêu ROA đạt 0,17%, chỉ tiêu ROE đạt 0,17%, với DSN là mã chứng khoán dẫn đầu cả 2 chỉ tiêu này.
VNAllshare
 
Chỉ số VNAllshare cuối ngày 25/12/2014 đạt 543,55 điểm, tăng 35,12 điểm, tương đương 6,91% so với ngày 02/01/2014. Cùng kỳ năm ngoái, VNAllshare tăng 19,64%. VNAllshare đạt mức cao nhất ở 625,87 điểm (24/03/2014) và mức thấp nhất ở 502,10 điểm (13/05/2014).

Tổng giá trị vốn hóa của rổ VNAllshare tính đến hết ngày 30/09/2014 đạt 787.964 tỷ đồng, chiếm 73,60% so với tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường (do cổ phiếu GAS với giá trị vốn hóa hơn 200.000 tỷ đồng không thuộc VNAllshare). Giá trị giao dịch bình quân của rổ VNAllshare tính đến hết quý III/2014 là  2.000 tỷ đồng/phiên, chiếm 94,26% tổng giá trị giao dịch bình quân của toàn thị trường.
Tổng doanh thu của chỉ số VNAllshare 9 tháng đầu năm ước đạt 378.520 tỷ đồng, bằng 88,86% tổng doanh thu toàn thị trường. Hết quý III/2014, VNAllshare có chỉ tiêu ROA đạt 1,84%, chỉ tiêu ROE đạt 10,71%, với DSN là mã chứng khoán dẫn đầu cả 2 chỉ tiêu này.
* Các giá trị vốn hóa nêu trên đều chưa điều chỉnh free float
Đầu Tư Chứng Khoán

Tháng “củ mật”, quy luật thị trường là tăng

 TTCK có sự suy giảm mạnh kéo dài hơn 3 tháng cuối năm 2014, nguyên nhân chính là do những tác động của Thông tư 36/2014/TT-NHNN và sự suy giảm đột ngột của giá dầu thế giới. Bước sang năm 2015, thị trường hồi phục trở lại khi chỉ số VN-Index có 3 tuần tăng điểm khá tốt từ mức thấp nhất 526 điểm cuối năm 2014 lên mức cao nhất 574,81 điểm tại ngày 16/1/2015.

 Các NĐT đang bước vào tháng giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2015. Qua bài viết này, chúng tôi đưa ra góc nhìn so sánh trạng thái giao dịch của TTCK trong tháng cuối cùng trước Tết trong 5 năm trở lại đây và dự báo cho tháng giao dịch cuối cùng trước Tết 2015 này. 

4 năm qua, VN-Index đều tăng trong tháng trước Tết

Chúng tôi lấy tham chiếu là chỉ số VN-Index và khoảng thời gian quan sát là từ năm 2011 đến nay. Một điểm thú vị là từ năm 2011 đến năm 2014, VN-Index đều tăng điểm khá tốt trong tháng cuối cùng trước Tết Nguyên đán (xem đồ thị), cụ thể:

Năm 2011, tháng cuối cùng trước Tết âm lịch tính theo dương lịch là từ ngày 3/1/2011 - 3/2/2011, ghi nhận giai đoạn tiếp nối đà tăng trưởng của chỉ số VN-Index đã được hình thành từ ngày 23/11/2010. Đây chính là nhịp tăng mạnh cuối cùng của VN-Index trước khi bước vào giai đoạn suy giảm dài hạn tới cuối năm 2012. Mức tăng được ghi nhận trong tháng trước Tết nêu trên của VN-Index là 8,11%.

Bối cảnh kinh tế thời điểm đó có các đặc điểm: tăng trưởng tín dụng cao, lạm phát cao, lãi suất thấp và để đối phó với lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bắt đầu quá trình tăng mạnh lãi suất trong cả năm 2011 và trong cả năm này, TTCK và thị trường bất động sản bắt đầu suy giảm mạnh.

Năm 2012, tháng cuối cùng trước Tết âm lịch tính theo dương lịch là từ ngày 23/12/2011 - 23/1/2012. Đây là giai đoạn ghi nhận chỉ số VN-Index tạo đáy tại 336 điểm vào ngày 6/1/2011 sau cả chu kỳ suy giảm từ đỉnh 529 điểm đầu năm 2011, đồng thời tăng mạnh trở lại lên mức 378 điểm với 9 phiên tăng điểm liên tiếp, để kết thúc tháng cuối cùng trước Tết Nguyên đán với mức tăng 8,93%. Sau đó, đà tăng của VN-Index tiếp tục được kéo dài tới ngày 8/5/2012, với mức đỉnh 492,44 điểm. 

Bối cảnh kinh tế thời điểm đó có các đặc điểm: lạm phát vẫn ở mức cao nhưng có tín hiệu được kiểm soát giảm dần, tăng trưởng tín dụng giảm mạnh, lãi suất ở mức đỉnh và NHNN bắt đầu tính tới khả năng giảm dần mặt bằng lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Năm 2013, tháng cuối cùng trước Tết âm lịch tính theo dương lịch là từ ngày 8/1/2013 - 8/2/2013. Đây là thời kỳ chỉ số VN-Index tăng điểm khá, từ mức 447 điểm lên 494 điểm, tăng 10,5%. Đợt tăng này là sự tiếp nối xu thế tăng điểm đã được hình thành từ mức đáy 374 điểm cuối tháng 11/2012. Trước đó, VN-Index đã có thời kỳ suy giảm từ mức đỉnh 488 điểm (8/5/2012) xuống 374 điểm (28/11/2012).

Bối cảnh kinh tế thời điểm đó có các đặc điểm: lạm phát ở mức thấp (6,8% năm 2012), tăng trưởng tín dụng ở mức thấp (8,85%), lãi suất giảm về mức trung bình thấp sau nỗ lực điều hành của NHNN trong năm 2012.

Năm 2014, tháng cuối cùng trước Tết âm lịch tính theo dương lịch là từ ngày 1/1/2014 - 27/1/2014. Đây là thời kỳ khởi đầu cho một xu thế tăng trưởng mạnh mẽ của TTCK, sau giai đoạn giao dịch đi ngang trước đó. VN-Index đã tăng mạnh từ mức 504 điểm lên 556 điểm, tăng 10,3%. Sau đó, đà tăng tiếp tục tiếp diễn đến cuối tháng 3/2014, với mức đỉnh 609 điểm. 

Bối cảnh kinh tế thời điểm đó có các đặc điểm: lạm phát thấp (5,45% năm 2013), tăng trưởng tín dụng có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp (gần 10%), lãi suất giảm về mức thấp nhất trong 5 năm theo sự điều hành của NHNN và đây cũng là năm ghi nhận dòng vốn nước ngoài rất lớn đầu tư vào thị trường Việt Nam, do hưởng lợi từ gói hỗ trợ kinh tế QE3 của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Như vậy, một điểm chung trong tháng giao dịch cuối cùng trước Tết Nguyên đán các năm từ 2011 - 2014 là VN-Index đều có sự tăng trưởng, từ 8,11 - 10,5%, mặc dù bối cảnh kinh tế của từng năm là khác nhau. Về cơ bản, giai đoạn từ 2011 đến nay, bối cảnh kinh tế trong nước liên tục có sự cải thiện và đây là điều kiện tốt để TTCK phát triển lành mạnh.
Dòng tiền sẽ tập trung vào các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt trong quý IV và năm 2014 
 
Dự báo TTCK tháng giáp Tết 2015
 
Trước khi bước vào tháng cuối cùng trước Tết Nguyên đán 2015, chỉ số VN-Index đã có giai đoạn hồi phục từ mức 513 điểm lên 578 điểm, tăng 12,7%. Bước vào những phiên đầu tiên của tháng “củ mật”, tháng cuối cùng trước Tết, các chỉ số chứng khoán đã chững lại đà tăng khi gặp ngưỡng kháng cự kỹ thuật, với VN-Index là vùng 580 điểm và với HNX-Index là vùng 86 điểm. Trong những phiên gần đây, các chỉ số thể hiện rõ trạng thái điều chỉnh giảm, hướng về các vùng kháng cự thấp hơn là vùng 565 điểm với VN-Index và 83 điểm với HNX-Index. Câu hỏi đặt ra là TTCK sẽ diễn biến theo chiều hướng nào trong thời gian còn lại trước kỳ nghỉ Tết? Liệu VN-Index có thể tiếp nối lịch sử để duy trì mức tăng từ 8,11 - 10,5% như các năm trước hay không?

Bối cảnh kinh tế thời điểm này là rất tích cực, với các chỉ tiêu kinh tế năm 2014 đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra: lạm phát thấp dưới 4%, tăng trưởng tín dụng đạt mức trên 12%, lãi suất vẫn ở vùng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, tăng trưởng kinh tế đạt 5,98%. Dự báo, các điều kiện kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực và hỗ trợ thị trường tài chính phát triển.

Về mặt thị trường, yếu tố hỗ trợ thị trường trong giai đoạn 1 tháng trước Tết Nguyên đán 2015 chủ yếu là thông tin kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2014 của các doanh nghiệp niêm yết và thông tin tích cực về giảm giá xăng dầu trong nước do hưởng lợi từ giá dầu thế giới giảm mạnh. Trong khi đó, thông tin tăng giá điện được Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác nhận không thực hiện trước Tết âm lịch. 

Mặc dù vậy, thị trường cũng đang gặp hạn chế lớn về dòng tiền do tác động từ các quy định mới trong Thông tư 36/2014/TT-NHNN và sự suy giảm của dòng vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, động thái kết thúc gói hỗ trợ kinh tế QE3 và có khả năng tăng lãi suất USD trong năm 2015 của FED và trạng thái hồi phục tích cực của kinh tế Mỹ đang khiến dòng vốn có xu hướng rút ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Như vậy, yếu tố hỗ trợ TTCK là có và đáng kể, nhưng sự hạn chế về dòng tiền đang khiến thị trường gặp khó khăn trong việc chinh phục các ngưỡng kháng cự kỹ thuật. Các chỉ số chứng khoán hiện nay vẫn tiếp tục trạng thái điều chỉnh kỹ thuật để hướng đến các vùng hỗ trợ thấp hơn, với VN-Index là vùng 565 điểm và với HNX-Index là vùng 83 điểm. 

Chúng tôi duy trì quan điểm thị trường đang trong nhịp điều chỉnh hợp lý trước khi hồi phục tích cực trở lại. Khi thị trường hồi phục, các cổ phiếu sẽ có sự phân hóa theo kết quả kinh doanh. Do đó, việc lựa chọn cổ phiếu vào thời điểm này cần hướng đến các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực. Kịch bản cho TTCK trong thời gian tới trước kỳ nghỉ Tết âm lịch là dòng tiền xoay vòng vào các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt trong quý IV và năm 2014. Thị trường phân hóa và chỉ số có thể không có sự biến động lớn. Trong kịch bản tích cực, chúng tôi dự báo, VN-Index có thể đạt 595 - 600 điểm, đạt mức tăng trưởng 5% trong tháng cuối cùng trước Tết Nguyên đán 2015.

Đỗ Bảo Ngọc, Chuyên gia nghiên cứu cao cấp, CTCP Chứng khoán MB
Đầu Tư Chứng Khoán