Monday, December 15, 2014

Nới room - “nước chảy qua cầu”

Nới room (tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại một doanh nghiệp niêm yết từ 49% vốn điều lệ lên trên mức này) đã chìm vào quên lãng, không còn được quan tâm từ cả năm nay. Thị trường hiểu rõ tính phức tạp của nó trong mối liên quan với các văn bản pháp lý khác, và quan trọng hơn thị trường nhìn ra cho dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) kiên trì chỉnh sửa, bổ sung và trình đi trình lại nhiều lần, ủy ban không có đủ quyền hạn để thúc đẩy nới room nhanh được.
Đề xuất mới về nới room sẽ được UBCKNN trình lên Chính phủ trong tháng 10-2015. Ảnh: Nguồn TBKTSG Online

Rồi đột nhiên bốn ngày trước khi Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam khai mạc, Chủ tịch UBCKNN ông Vũ Bằng trả lời phỏng vấn Bloomberg rằng đề xuất mới về nới room sẽ được cơ quan này trình Chính phủ trong tháng 10-2015. Vấn đề nới room tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài “hâm nóng” tại diễn đàn và bên ngoài hành lang diễn đàn, đại diện một số tổ chức trao đổi với các phương tiện truyền thông về sự thất vọng khi room đã đứng ì 4-5 năm trời mà vẫn không tháo gỡ được.

Thất vọng
Dư luận chưa bao giờ được nghe đích thân Bộ trưởng Tài chính lên tiếng vì sao một vấn đề ảnh hưởng mạnh đến chứng khoán, đến thu hút vốn gián tiếp nước ngoài như nới room lại đình trệ hàng năm trời?


Tất cả những động thái và biểu hiện đó phản ánh tâm trạng không vui bề ngoài và sự “chán nản cực độ” bên trong của đa phần các quỹ đầu tư ngoại đang hiện diện tại Việt Nam. Một số quỹ đóng được thành lập năm 2006-2008 lẽ ra đã phải rút vốn từ lâu với thời hạn tồn tại ban đầu được ấn định 5-7 năm, nhưng do không thể thanh lý quỹ trong điều kiện VN-Index suy thoái kéo dài, thanh khoản thấp, buộc phải lùi thời hạn đóng quỹ thêm 1-2 năm nữa. Ngay cả khi được các nhà đầu tư chấp thuận cho lùi, họ cũng phải đóng quỹ vào năm 2015-2016, nghĩa là họ phải chuẩn bị từ bây giờ. Chưa kể áp lực thoái vốn đang lớn dần trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đang ngày càng trở nên hấp dẫn.   

Giới quản lý quỹ ngoại, hơn bất cứ ai, muốn thị trường phục hồi để họ có thể huy động được nguồn vốn mới thay thế nguồn vốn cũ rút chân ra. Nếu các quỹ hiện tại phải đóng, mà các quỹ mới không được mở, những nhà quản lý quỹ sẽ phải rời bỏ Việt Nam hoặc đi tìm công việc khác. Không ai mong một viễn cảnh ảm đạm như thế cả.

Ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital, cho biết huy động vốn bên ngoài đầu tư vào Việt Nam bây giờ khó như... lên trời! Các nhà đầu tư nước ngoài muốn VinaCapital cùng bỏ vốn vào những dự án cụ thể, cùng trực tiếp quản lý, điều hành. Như vậy, họ có thể cùng tham gia điều hành vốn, chia sẻ bớt rủi ro, và có thể trả mức phí quản lý thấp hơn so với “giao” toàn bộ tiền cho các tổ chức quản lý quỹ. VinaCapital đang dịch chuyển theo xu hướng mới này, thể hiện rõ nhất là giảm tỷ trọng vốn trên thị trường niêm yết, đẩy mạnh M&A các dự án bất động sản, các doanh nghiệp tư nhân (private equity).

VinaCapital vừa mua xong Công ty cổ phần Sữa Ba Vì với số tiền “chưa thể tiết lộ vì chưa đúng thời điểm”, nhưng chắc chắn giá mua không đắt do Ba Vì không phải doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. Công ty đang gặp khó khăn sau đợt tung tiền cho “chiến dịch” tiếp thị theo kiểu “dội bom” khiến ngân quỹ hao hụt nghiêm trọng. VinaCapital sẽ có nhiều việc để làm ở Sữa Ba Vì và kỳ vọng thành công bởi lĩnh vực thực phẩm còn vô số cơ hội trước mặt.

Nhìn lại, các thương vụ mang lại lợi nhuận tốt cho VinaCaptal hầu hết đều từ bất động sản hay góp vốn tư nhân, từ Masan Consumer trước đây đến Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang mới đây. Trong khi đầu tư vào doanh nghiệp niêm yết, họ “chịu đựng gian khổ”. Vinamilk là cổ phiếu gần như duy nhất mang lại lợi nhuận ổn định cho VinaCapital.

Chiến lược đầu tư của các quỹ của Dragon Capital không giống VinaCapital. Dragon Capital “rải tiền” chủ yếu trên sàn và trong những tháng ngày khủng hoảng, họ chịu “đau đớn” hơn nhiều tổ chức khác khi quyết tâm “chung thủy” với không ít công ty niêm yết. Một số quỹ của Dragon Capital đã có tuổi đời trên 10 năm, thậm chí 15 năm. Liệu tới đây, các quỹ này có phải thoái vốn? Không có quỹ đóng nào tồn tại mãi mãi. Mấy năm qua, Dragon Capital chỉ huy động thêm được khoảng 100 triệu đô la Mỹ, một con số nhỏ, và đã phải nỗ lực cao để có được nó.

Đất không lành nữa, họ sẽ ra đi

Liệu các tổ chức nước ngoài có nghĩa vụ phải đầu tư ở Việt Nam? Phải “sống chết” ở đây? Đương nhiên là không. “Đất lành chim đậu”. Đất không lành nữa, họ ra đi. Họ đi, tiền ra theo. Chẳng lẽ ta mặc kệ, vì ta không cần vốn để phát triển? Công việc của họ tổ chức các roadshow ở nước ngoài, kêu gọi nước ngoài bỏ tiền vào Việt Nam trực tiếp mang lại lợi ích cho chúng ta. Thế nhưng bản thân chúng ta, các cơ quan quản lý thị trường, đã làm được gì để khuyến khích họ? Rất ít.

Sau khi Nhóm công tác thị trường vốn, đại diện cho giới đầu tư gián tiếp nước ngoài, (một chủ thể tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam) thừa nhận đã thất bại, không vận động hành lang được việc nới room nhanh hơn, và rằng “họ chẳng có việc gì làm, nên sẽ đi chơi”, ông Vũ Bằng trấn an khối ngoại bằng khả năng có thể ban hành một quyết định thay thế Quyết định 51 về nới room vào tháng 6-2015. Không gì đảm bảo khả năng này sẽ xảy ra. Trong quá khứ, người đứng đầu ủy ban đã từng tuyên bố nới room vào quí 1 -2014. Trên thực tế, nới room vẫn như “nước chảy qua cầu” và chỉ thế thôi!

Một chuyện giờ mới có thể kể. Ngân hàng BIDV niêm yết tháng 1-2014, đúng vào thời điểm VN-Index giằng co không dứt ở mốc 500 điểm. Là một doanh nghiệp vốn hóa lớn, lãnh đạo BIDV hiểu rõ ảnh hưởng sự biến động của giá cổ phiếu BIDV lên thị trường chung. Họ đã đề nghị, đã “vận động hành lang” UBCKNN và các bộ, ngành liên quan tiến hành nhanh chóng việc nới room để tạo cú hích cho chứng khoán. Room có mở hay không, chứng khoán phục hồi hay “ủ rũ” đâu phải trách nhiệm của BIDV. Nhưng với tư cách một ngân hàng niêm yết, họ có trách nhiệm với cổ đông, với nhà đầu tư và họ đã hành động, dẫu kết quả của hành động ấy không phụ thuộc vào họ.

Nhìn sang bên, tại sao đích thân Bộ trưởng Giao thông Vận tải phải lên tiếng vì sự cố mất điện ở sân bay, vì con đường này hư, con đường kia hỏng? Tại sao đích thân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải trả lời dư luận vì doanh nghiệp ABC không vay được vốn, vì ngân hàng nào đó cho vay sai quy định? Thế nhưng dư luận chưa bao giờ được nghe đích thân Bộ trưởng Tài chính lên tiếng vì sao một vấn đề ảnh hưởng mạnh đến chứng khoán, đến thu hút vốn gián tiếp nước ngoài như nới room lại đình trệ hàng năm trời? Người ta chỉ thấy UBCKNN - một vụ cục như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước - hiện diện mỗi khi chứng khoán có vấn đề, trong khi cơ quan có trách nhiệm trả lời chính thức trước dư luận phải là Bộ Tài chính.

Dư luận đang thắc mắc dường như thị trường chứng khoán không đáng để Bộ Tài chính quan tâm và đang băn khoăn có lẽ cơ quan quản lý ngân khố quốc gia thừa tiền, nên không cần vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài nữa!  
TBKTSG Online

No comments:

Post a Comment