Wednesday, December 17, 2014

TTCK Việt Nam cuối năm 2014 – Điều gì đang xảy ra ?

Chứng khoán Việt Nam đang đối mặt với giai đoạn giảm điểm đáng kể nhất trong năm 2014, thậm chí mức độ mất điểm hiện nay còn lớn hơn cả khi “sư kiện Biển Đông” xảy ra vào tháng 5 (VN-Index đã giảm 23% tính từ đỉnh cao nhất, ở “sự kiện Biển Đông” chỉ số này chỉ giảm 20%).
Việc nhiều công ty tiến hành IPO ồ ạt trong thời gian gần đây cũng đã hút ròng 5.000 tỉ đồng từ thị trường chứng khoán. Ảnh TL SGT
Vì sao thị trường giảm điểm?

Sự hoảng loạn của nhà đầu tư đang ở mức cao, đặc biệt trong hai phiên vừa qua (16,17/12/2014). Có thể thấy sự giảm điểm hiện nay xuất phát từ một số nguyên nhân quan trọng sau: (1)Diễn biến bất lợi của thị trường thế giới; (2) Áp lực bán ròng của khối ngoại , (3) Áp lực từ cường độ IPO tháng cuối năm và (4) Áp lực giải chấp trong ngắn hạn.

Thị trường thế giới gần đây chịu tác động tiêu cực từ khủng hoảng chính trị ở châu Âu và giá dầu. Sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga – Mỹ, Liên minh châu Âu đã gây lo ngại làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế tại châu Âu. Giá dầu, một chỉ báo quan trọng về triển vọng kinh tế thế giới, đưa ra tín hiệu tiêu cực. Giá dầu bắt đầu giảm kể từ tháng 7-2014, từ mức hơn 95 đô la Mỹ/thùng xuống chỉ còn 55 đô la/thùng, tương ứng với mức giảm hơn 40%. Châu Âu chìm trong khủng hoảng và Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại là những nguyên nhân chính dẫn đến sự lao dốc của giá dầu.

Yếu tố bất lợi thứ hai đến từ áp lực bán ròng của khối ngoại. Tính từ tháng 7 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khá mạnh, hơn 4.000 tỉ đồng. Rõ ràng hành động bán ra khá mạnh tay trong ngắn hạn của khối này đang có ảnh hưởng tiêu cực lên dòng tiền của thị trường. Cho đến hiện nay, cường độ bán ròng của khối ngoại đang dần được tiết chế lại, dù vậy thời điểm kết thúc bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là câu hỏi khó trả lời.

Một vấn đề khác tác động tiêu cực lên yếu tố dòng tiền chính là các hoạt động chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO). Các đợt IPO đang diễn ra với tần suất dày đặc vào cuối năm 2014, tính riêng trong tháng 12 có đến hơn 17 công ty tiến hành IPO, đã đồng thời hút ròng một lượng tiền tương đương 5.000 tỉ đồng.  Vấn đề IPO được chúng tôi đánh giá là tác động mang tính thời điểm và khi thị trường kết thúc tháng 12, áp lực này sẽ được giải tỏa.

Cuối cùng là sức ép đến từ hoạt động giải chấp. Dù không có những thống kê đầy đủ về tình hình bán giải chấp ở các công ty chứng khoán, không quá khó để nhận ra thị trường trong các phiên vừa qua đã xuất hiện thường xuyên các hoạt động bán giải chấp khi mà rất nhiều cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu nhóm dầu khí đã giảm 40-50%. Chúng tôi đánh giá hiện tượng bán giải chấp sẽ vẫn còn tiếp diễn trong một vài ngày tới đây nhưng với cường độ giảm dần.

Cần làm gì ở thời điểm này

Với các nhà đầu tư ngắn hạn, lời khuyên đầu tiên của chúng tôi trong ngắn hạn các ngày tới là không bắt dao rơi. Dù các yếu tố tác động xấu đến thị trường (nêu trên) có thể cải thiện hơn trong thời gian tới đây, việc kỳ vọng “mua đáy” vẫn là điều cần tránh vì thị trường đang ở vào giai đoạn hết sức nhạy cảm và sự hoảng loạn của nhà đầu tư là điều rất khó đo đếm chính xác. Không gì có thể đảm bảo việc bắt đáy sẽ thành công vào thời điểm này.

Chúng tôi cho rằng cần quan sát sự chuyển biến của thị trường và việc giải ngân cho ngắn hạn chỉ được xem là phù hợp khi thị trường hội tụ các yếu tố sau:

- Giá dầu thế giới ngừng giảm;
- Khối ngoại quay trở lại mua ròng hoặc chí ít là giao dịch ở trạng thái cân bằng;
- Việc kiểm tra khu vực hỗ trợ 500 điểm diễn ra thành công. Nói cách khác là đà giảm của thị trường có những phản ứng chững lại rõ rệt ở phía trên vùng 500 điểm.

Ba yếu tố trên nếu xảy ra sẽ giúp ổn định đáng kể tâm lý nhà đầu tư và từ đó có thể giúp thị trường thoát khỏi giai đoạn hoảng loạn hiện nay để tạo ra sự cân bằng và tốt hơn là hồi phục trở lại.
 TBKTSG Online

No comments:

Post a Comment