Wednesday, December 10, 2014

“Sự hồi lại của nhóm dầu khí chưa hẳn sẽ tạo đà tăng mà có thể chỉ là hãm đà giảm”

Trong một tương lai mù mịt của thị trường dầu thì khó kỳ vọng nhà đầu tư sẽ ồ ạt xuống tiền mua mạnh trở lại như đã từng xảy ra. Những biến động tới đây sẽ dần đưa các cổ phiếu dầu khí đến mức cân bằng.

Thị trường ngày 10/12 đã bật tăng trở lại khi sự phục hồi bắt đầu từ chính nhóm cổ phiếu dầu khí lan rộng ra các nhóm ngành khác. Màu xanh này là dấu hiệu của cơn bão đã tan hay chỉ là khoảnh khắc lặng trời trước khi nổi gió? Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Bình – Trưởng phòng Phân tích CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS) 

Sau phiên giao dịch ngày 09/12, IVS đã nhận định rằng thị trường có thể phục hồi vào cuối phiên ngày hôm sau. Và quả thực điều này đã xảy ra trong ngày 10/12 hôm nay. Xin ông cho biết, cơ sở cho nhận định này là gì? 

Ông Nguyễn Hữu Bình (cười): May mắn thôi. Nhận định thị trường theo phiên là rất khó, hôm nay đúng mai lại sai và đúng sai là chuyện thường. Việc nhận định theo phiên nên nêu ra được những điểm quan trọng của phiên giao dịch diễn ra là gì hoặc có thể đánh giá ngay được những thông tin bất ngờ xuất hiện nhằm giúp NĐT có cái nhìn nhanh hơn, tổng quát hơn.

Những phiên giao dịch kiểu này xuất hiện liên tục và tôi thường hay lưu lại những hình ảnh, ghi chép lại những biến động mà nó xuất hiện để đúc kết và đánh giá. Tựu chung vẫn do tâm lý đám đông, bị cảm xúc chi phối và một phần do sử dụng đòn bẩy tài chính không hợp lý dẫn tới bán tháo.

Nếu chỉ cho rằng do giá dầu, do khối ngoại bán mạnh cổ phiếu dầu khí khiến toàn bộ các cổ phiếu khác giảm mạnh thì đó là sự bất hợp lý và thái quá. Một điểm quan trọng là KLGD tăng đột biến cho thấy khả năng bật lại sẽ dễ xảy ra nhưng nó phải đi kèm với điều kiện của phiên kế tiếp là giảm mạnh trong khoảng thời gian đầu của phiên. Nếu áp lực bán lại dồn mạnh về cuối phiên thì có lẽ câu chuyện sẽ khác.

Và khi ai cũng nhìn thị trường một cách bi quan hơn thì họ sẽ không xuống tiền mua nữa và chờ đợi ở mức thấp hơn thì áp lực với những NĐT bắt đáy trước đó là rất lớn. Vòng luẩn quẩn này sẽ đẩy thị trường sụt giảm đến mức mà chả ai quan tâm nữa thì coi như vùng đáy đã xuất hiện. 

Có ý kiến cho rằng, thông thường sau một phiên rơi sâu, thị trường sẽ cân bằng lại tạm thời ở phiên kế tiếp do người bán dừng lại quan sát. Đây là một phản ứng bình thường, một cú hồi kỹ thuật chứ không phải thị trường đã thực sự cân bằng. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này? 

Sau một phiên giảm mạnh thông thường sẽ khiến cả bên bán lẫn bên mua đều thận trọng. Nếu như hoạt động bán quá bất thường và đẩy giá cổ phiểu rẻ bất ngờ sẽ thúc đẩy bên mua bắt đáy. Nếu KLGD phiên đó đủ lớn sẽ coi như hấp thụ hết số lượng cổ phiếu cần bán và vì thế sẽ giúp thị trường phục hồi lại. Nhưng nếu như thị trường sau đó lại tiếp tục xấu đi thì bên mua hôm nay sẽ trở thành bên bán hôm sau. Chúng ta có thể thấy điều này rõ ở nhóm cổ phiếu dầu khí trong nhịp giảm cuối tháng 11. Nhịp bắt đáy đó đã giúp cho những cổ phiếu này hồi lại vài phiên và điều gì lại xảy ra thì đã rõ.

Còn khi mức giá các cổ phiếu sau nhiều lần suy giảm đủ thấp, đủ khiến NĐT nắm giữ bỏ mặc và chấp nhận thua lỗ thì khi đó thị trường mới thực sự tiết cung. Lúc này sự cân bằng thực sự sẽ diễn ra, còn nếu như NĐT còn tiếp tục sử dụng đòn bẩy bắt đáy và KLGD còn lớn kiểu này thì sự lo ngại là chưa dứt. 

Ông có ước tính được trạng thái margin lúc này? Đó có phải là vấn đề cần lo lắng trong điều kiện hiện nay? 

Ước tính là điều khó nhưng theo góc quan sát của tôi thì mức độ margin lúc này là thấp và không đáng lo ngại bởi lượng NĐT sử dụng quá nhiều đòn bẩy không còn nhiều nữa. Chuỗi giảm giá liên miên gần 4 tháng qua đã khiến những NĐT sử dụng quá liều đều thua lỗ và đặc biệt Thông tư 36 của NHNN vừa qua khiến mức độ sử dụng công cụ này của NĐT giảm. 

Theo ông, có còn kỳ vọng gì với cổ phiếu dòng dầu khí nữa hay không? Khối ngoại vẫn bán ròng rất mạnh GAS nhưng hôm nay đã quay lại mua ròng mạnh PVD. Ông có nhận xét gì về điều này? 

Tôi có quan sát đồ thị giá dầu thế giới và nhận thấy rằng, mức sụt giảm mạnh từ vùng giá 11x USD/thùng về đến mốc thấp nhất 65 USD/thùng là quá nhanh. Tại vùng 60-70 USD này có một khoảng thời gian chững lại khá lâu trong giai đoạn năm 2009-2010 nên nhiều khả năng giá dầu sẽ hồi phục lại hoặc ít nhất sẽ chững lại tại đây một thời gian. Có thể nó sẽ giảm sâu hơn nữa về mức 4x của năm 2008 nhưng quá trình này cần thêm thời gian.

Theo góc nhìn của tôi thì vùng hỗ trợ của GAS là 65.000 đồng, PVD khoảng 55.000 đồng, PVS là 22.000 đồng... Nên mức hồi lại phiên này của nhóm chưa hẳn sẽ tạo đà tăng mà có thể chỉ là hãm đà giảm khi nó rơi gần về đến vùng hỗ trợ.

Trong một tương lai mù mịt của thị trường dầu thì khó kỳ vọng NĐT sẽ ồ ạt xuống tiền mua mạnh trở lại như đã từng xảy ra. Những biến động tới đây sẽ dần đưa các cổ phiếu này đến mức cân bằng. Đó là mức mà họ có thể kỳ vọng vào tương lai và chấp nhận bỏ quên trong thua lỗ.

Còn việc mua bán của khối ngoại thật khó nhận định bởi chúng ta không nắm rõ là do ai bán. Tùy từng hoạt động của Quỹ, của NĐT cá nhân họ, sẽ có chiến lược hoặc cách nhìn nhận riêng. 

Vậy ông nhận định thị trường trong những ngày tới sẽ như thế nào? Dòng cổ phiếu nào được ông kỳ vọng? 

Thị trường lúc này kỳ vọng sẽ giữ được mốc 560 điểm và đứng trên đường xu hướng kể từ cuối năm 2012 đến nay. Nếu như thanh khoản giảm sút, cho thấy bên bán không chịu áp lực nữa thì cơ hội tăng sẽ trở lại và đặc biệt là nhóm cổ phiếu cơ bản sẽ giữ nhịp cho thị trường. 

 Giai đoạn này tôi nghĩ khó có nhóm nào đủ sức tạo sức bật cho dù đang nhen nhóm là nhóm BĐS. Khi thị trường đứng vững, niềm tin được củng cố và tâm lý ổn định thì dòng tiền đầu cơ sẽ gia nhập trở lại. 

Không ít nhà đầu tư vẫn có một niềm tin vào “con sóng cuối năm” dù thời gian không còn nhiều. Theo ông, niềm tin này có khả thi? 

Với khoảng thời gian ít ỏi và những bấp bênh hiện tại, kỳ vọng lúc này càng lớn càng dễ sai. NĐT luôn kỳ vọng và lo lắng, khi tăng trở lại thì họ kỳ vọng lên đến 600 điểm, ngược lại khi giảm mạnh họ lại lo sợ sẽ rơi về vùng 510 điểm. Nên nhìn thị trường vận động và chúng ta vận động theo nó hơn là kỳ vọng. Hàng loạt những thông tin, hàng loạt những biến động mạnh khiến NĐT cũng lo ngại lắm chứ.

Tôi chỉ tin rằng những biến động mạnh gần đây là cơ hội để mua những cổ phiếu cơ bản có dự báo sẽ có kết quả tốt trong năm 2015.

Theo góc nhìn của tôi thì năm 2015 nhóm ngành Thủy sản, nông nghiệp, dệt may... sẽ tiếp tục gặt hái thành công. Ngoài ra một số cổ phiếu đại diện cho từng ngành nghề như FPT, HPG, HSG, REE, BMP...

Một điểm đáng quan tâm là năm 2015 có thể sẽ có biến động mạnh trong khu vực nợ xấu mà đích nhắm là BĐS. Một cuộc phá băng thực sự khu vực này sẽ diễn ra giúp đẩy nhanh nợ xấu và thúc đẩy khu vực Ngân hàng nhanh chóng tái cấu trúc. Nếu điều đó diễn ra sẽ đẩy cổ phiếu Ngân hàng rơi thêm và đó có thể chính là vùng đáy thực sự trong một vùng đáy 3 năm qua. Trong khi đó nhóm BĐS sẽ có cơ hội trở thành người dẫn dắt thị trường trong năm 2015 với những chính sách và yếu tố thuận lợi.

Xin cảm ơn ông rất nhiều!
 Theo Trí Thức Trẻ

No comments:

Post a Comment