Thương vụ mua Berkshire Hathaway - tập đoàn hiện trị giá hơn 300 tỷ USD là một thất bại lịch sử được tạo nên bởi sự xấc xược và non nớt của Warren Buffett? Thậm chí, Buffett đã từng tuyên bố rằng “Tôi sẽ tốt hơn nếu chưa từng bao giờ nghe thấy Berkshire Hathaway”.
Ngay cả những người vĩ đại nhất trong lịch sử cũng từng thất bại. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta chỉ nhớ về những cá nhân này đi kèm với câu chuyện cuộc sống, sự nghiệp hết sức thành công và coi họ như một huyền thoại. Thực tế, mỗi người trong số đó đều từng gặp phải thất bại lặp đi lặp lại, nhiều hơn tất cả thành công gộp lại.
Trên thực tế không nên bỏ qua câu chuyện thất bại của bất kỳ ai, nhất là những người mà chúng ta ngưỡng mộ. Thông qua những trải nghiệm thất bại, các cá nhân này mới có thể học hỏi, phát triển và cuối cùng đạt được thành công.
Một khi nhận ra rằng những vị anh hùng, đạt được thành công vượt bậc mà chúng ta vẫn thường ngưỡng mộ cũng hoàn toàn có thể mắc phải sai lầm. Chúng ta sẽ hiểu hơn được thất bại đóng vai trò rất quan trọng dẫn đến thành công của mỗi người.
Chính vì vậy, chúng tôi xin thu thập lại câu chuyện thất bại của những người thành công bậc nhất trên thế giới với thông điệp rằng: "Nếu bạn đã mắc sai lầm nhưng lại học hỏi được rất nhiều điều từ đó, bạn thật sự đang đi trên con đường đúng đắn để dẫn đến thành công".
Bài viết hôm nay đề cập đến tỷ phú, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett và sai lầm lớn nhất trong cuộc đời của ông khi mua Berkshire Hathaway.
Nhắc đến Warren Buffett, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu bất kỳ ai sẽ là “thành công” và “giàu có”. Trang bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia không phải lúc nào cũng đưa thông tin chính xác, nhưng ít nhất họ đã đúng khi nêu bật Buffett như một “nhà đầu tư thành công nhất trong thế kỷ 20”.
Quả thật Buffett được nhiều người biết đến vì sự khôn ngoan và tính kiên nhẫn. Ông còn được đặt nickname giống như một vị thánh là “Oracle” và “Sage”. Mọi người hàng năm hành hương về Omaha (nơi Buffett sống) chỉ mong được nghe ông nói chuyện.
Tuy nhiên, liệu có bao nhiêu người biết được thương vụ mua Berkshire Hathaway - tập đoàn hiện trị giá hơn 300 tỷ USD là một thất bại lịch sử được tạo nên bởi sự xấc xược và non nớt của Warren Buffett? Thậm chí, Buffett đã từng tuyên bố rằng “Tôi sẽ tốt hơn nếu chưa từng bao giờ nghe thấy Berkshire Hathaway”.
“Mối cơ duyên” của Warren Buffett với Berkshire Hathaway đến vào năm 1962 khi ông mua cổ phiếu của công ty này. Các chuyên gia phân tích tính toán cổ phiếu của Berkshire Hathaway trị giá 19,46 USD/1 cổ phiếu nhưng nó có thể được mua với giá chỉ 7,5 USD. Chính vì vậy, Buffett đã mua một số “cổ phiếu rẻ” với ý định sẽ bán lại chúng cho công ty khi giá tăng lên.
Sau một thời gian, chủ tịch của Berkshire lúc đó là Seabury Stanton nghe ngóng được tin tức về việc tích trữ cổ phiếu của Buffett và ông này đã mời Buffett tới văn phòng tại Masachusetts để gặp mặt. Vị chủ tịch này đã hỏi về mức giá mà Buffett sẵn sàng bán số cổ phiếu đang có và Buffett nói rằng ông sẽ bán với giá 11,5 USD nếu chào mua với giá cao hơn thị trường.
Ngay sau đó, Stanton đã đưa ra đề nghị về mức giá 11,37 USD và nửa cent cho mỗi cổ phiếu. Buffett lúc đó vẫn còn trẻ và khi nghe con số mà Stanton đưa ra, ông đã tỏ ra rất bực tức. Ông cảm thấy Stanton đang cố gắng kéo điều có lợi về phía mình. Vì vậy, thay vì tiếp tục thoả thuận hay giữ cổ phiếu của ông cho đến khi đàm phán được mức giá tốt hơn, ông bắt đầu tìm kiếm nhiều cổ phiếu hơn để mua. Ông thề rằng sẽ mua thật nhiều cổ phần đề có quyền kiểm soát công ty này và quan trọng là có đủ quyền để sa thải Seabury Stanton.
Berkshire Hathaway vào những năm 1960 hoàn toàn không giống như hiện nay. Nó là một công ty vải sợi hết sức bình thường vốn nhập khẩu vải cotton nguyên chất từ phía Nam và biến chúng thành quần áo. Trước khi điều hoà không khí được phát minh ra, Berkshire đã giải quyết được một nhu cầu quan trọng vì các nhà máy phải đặt tại những nơi xa vùng phía nam nắng nóng và ẩm ướt.
Tuy nhiên, vào những năm 1960, điều hoà không khí đã trở nên phổ biến, lao động và cả những nguyên vật liệu nguyên chất tại phía nam đều trở nên rẻ hơn. Vì vậy, khi bắt đầu mua cổ phiếu của công ty này, các nhà máy vải sợi ở New England đang trong tình trạng vô cùng khó khăn. Và đương nhiên, Berkshire Hathaway là một trong số đó.
Tuy vậy, bỏ mặc tất cả những vấn đề đó cuối cùng Buffett vẫn quyết định sở hữu công ty này chỉ bởi sự không hài lòng của ông với Seabury Stanton. Ông đã thuyết phục những người khác bán cho mình cổ phiếu của họ cho đến khi có đủ số lượng cần thiết để nắm quyền kiểm soát hội đồng quản trị. Seabury sau đó đã từ chức và Buffett được bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị. Mặc dù có ban lãnh đạo mới, nhà máy vải sợ vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Buffett đã đổ rất nhiều tiền vào mua cổ phiếu của công ty này nhưng sau cùng lại chật vật bán nó đi nhưng không ai mua.
Dĩ nhiên, sau đó Buffett đã đa dạng hoá danh mục đầu tư của công ty, mua các công ty hoạt động trong lĩnh vực khác để giúp Berkshire Hathaway tiếp tục sống. Tuy nhiên, công ty vải sợi nguyên thuỷ Berkshire Hathaway là một sai lầm lớn. Trong cuốn tự truyện đời mình mang tên Snowball, Buffett viết:
“Bạn đi trên đường và nhìn thấy một mẩu xì gà ướt sũng nước, nó làm bạn thấy kinh khủng và khó chịu. Nhưng nó hoàn toàn miễn phí và thậm chí vẫn còn hơi khói bốc lên trong đó. Berkshire không có bất kỳ “hơi khói” nào. Vì vậy, tất cả những gì tôi có chỉ là một mẩu xì gà ướt sũng trong miệng. Đó là những gì đã xảy ra vào năm 1965. Tôi bỏ rất nhiều tiền vào điếu xì gà đó, tôi đã có thể tốt hơn nếu chưa bao giờ nghe thấy Berkshire Hathaway”.
Buffett đã đưa ra hàng loạt quyết định tồi buộc ông phải chiến đấu thông qua việc học hỏi từ những khó khăn đã trải nghiệm. Ông đã rất kiên trì, bền bỉ chứ không từ bỏ và cho phép Berkshire Hathaway thất bại. Ông đã đa dạng hoá doanh nghiệp để trở thành một trong những câu chuyện kinh doanh thành công nhất trong giới đầu tư. Quan trọng hơn, Buffett đã không hề che giấu thất bại này, ông coi đó như một đặc ân và ghi nhớ nó mỗi ngày trong cuộc sống.
Buffett gặp phải thất bại, tiếp thu nó và biến nó trở thành tập đoàn Berkshire Hathaway thành công vượt bậc như ngày hôm nay.
No comments:
Post a Comment