Sunday, April 19, 2015

VN-Index: mùa hè đến sớm

Không hẹn mà gặp, hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định sự sụt giảm của VN-Index thời gian qua xuất phát chủ yếu từ điều 14 siết chặt tỷ lệ cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của Thông tư 36 quy định tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Nhiều ý kiến cho rằng việc siết chặt tỷ lệ cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của Thông tư 36 khiến VN-Index sụt giảm thời gian qua. Ảnh: Tuệ Doanh
Những chính sách vĩ mô khác như Luật Nhà ở sửa đổi, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội, tăng tốc cổ phần hóa, tăng đầu tư vốn nhà nước vào cơ sở hạ tầng, định hướng giảm lãi suất cho vay thêm 1-1,5%/năm... đều có tác động ít nhiều đến chứng khoán, nhưng không thể so sánh với ảnh hưởng của Thông tư 36 về mức độ.

Ngay cả sự ấm lên của các chỉ số kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP, ổn định tỷ giá, tăng trưởng tín dụng cũng không bù đắp lại được những tiêu cực mà Thông tư 36 gây ra.

Hành động thức thời

Sự biến động của chứng khoán, như từ trước đến nay vốn vậy, phụ thuộc vào dòng tiền. Khi ngân hàng giảm cho vay cổ phiếu từ 20% xuống 5% vốn tự có, tức hạ 4 lần, nhà đầu tư nhìn thấy định hướng dòng tiền bị thu hẹp. Hành động thức thời của họ là giảm tỷ trọng đầu tư cổ phiếu của chính mình, hay nói cách khác là gói gọn danh mục. Trước đây nhà đầu tư bỏ 100 triệu đồng vào chứng khoán, nay họ rút ra 50 triệu đồng, chỉ để lại 50 triệu đồng. Trong 50 triệu để lại ấy, họ giữ 25 triệu đồng bằng cổ phiếu và 25 triệu đồng tiền mặt. Khoản tiền mặt là nhằm dự phòng, đối phó với những đợt trồi sụt của chỉ số.

Hành động của khối nội đã làm thanh khoản thị trường lao đao. Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận xét, chịu tác động của Thông tư 36, trong quí 1-2015 khối lượng giao dịch chứng khoán giảm 34%, giá trị giao dịch giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với chứng khoán, ba thách thức sẽ đến trong mùa hè này. Trước hết và nặng nhất, đó là tỷ giá. Thách thức thứ hai là điều kiện giảm lãi suất hầu như không còn. Và cuối cùng là nợ xấu có thể tăng từ 1-4-2015, khi mà cơ chế cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm chính thức ngừng áp dụng.
Rất nhanh chóng, thanh khoản làm khối ngoại lo lắng và họ quay ra bán ròng liên tục. Khối ngoại chủ yếu sở hữu các blue-chips, họ bán là bán blue-chips có giá trị và thanh khoản tốt hơn các cổ phiếu khác, như GAS, PVD, VIC, MSN, STB, VCB…

VN-Index đã không đứng vững trước làn sóng bán ròng của khối ngoại.

Trong thành phần khối ngoại, các quỹ ETFs bán ra nhiều nhất. Đây là dòng vốn ở bên ngoài Việt Nam và sự thăng trầm của nó nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Các yếu tố của thị trường tài chính quốc tế quyết định sự vào-ra của dòng vốn này, bao gồm: kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại; giá dầu thô phập phù; các gói kích thích kinh tế của châu Âu + Nhật Bản; sự chuẩn bị tăng lãi suất đô la Mỹ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Cả năm yếu tố trên đều có mức độ ảnh hưởng rất mạnh và đã ảnh hưởng trực tiếp đến giao dịch của quỹ ETFs. Một quỹ nước ngoài nói xu hướng chung của các quỹ ETFs huy động vốn tại thị trường Mỹ là dịch chuyển vào châu Âu. Các quỹ ETFs đầu tư vào các thị trường mới nổi đang bị rút vốn và mức độ rút không chỉ 10-20% như mọi năm, năm nay chúng có thể bị rút 50-70% hoặc toàn bộ. Tốc độ tăng trưởng của các thị trường chứng khoán mới nổi đang thua xa thị trường chứng khoán châu Âu và Nhật.

Sự phân hóa và cứu vãn

Tiếp tay cho sự rút vốn của khối ngoại không chỉ có ETFs mà còn có một số quỹ đóng đến thời hạn đóng quỹ. Các quỹ này không giải ngân thêm, hiện tại nhiệm vụ duy nhất của họ là canh những phiên chỉ số xanh để bán ra, thu hồi vốn. Nên dễ hiểu là nhiều tháng qua các blue-chips không thể lên điểm dù thông tin liên quan đến chúng tích cực đến mấy. 
        
Ngược lại vẫn xuất hiện một số quỹ nhỏ nước ngoài giải ngân chọn lọc vào các cổ phiếu nằm trong trào lưu đi lên sau khủng hoảng của các lĩnh vực ngân hàng, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng, xây lắp, tiêu dùng (ô tô)…. Phần lớn các cổ phiếu tăng trưởng gần đây đều thuộc nhóm MidCap (cổ phiếu có vốn hóa vừa) và SmallCap (cổ phiếu có vốn hóa nhỏ) với sự ảnh hưởng lên chỉ số không đáng kể. Mười cổ phiếu MidCap và SmallCap tăng cũng không bù lại được 1-2 blue-chips giảm. Hậu quả là chỉ số vẫn trên đường đi xuống.

Nhóm ngân hàng tập trung vào ba cổ phiếu VCB-CTG-BID đã có diễn biến tích cực và đang dẫn đầu thị trường về tăng trưởng (với toàn nhóm tính luôn các cổ phiếu khác như EIB, ACB, MBB, SHB, NVB, STB) trên 16% từ đầu năm đến nay. Nhóm ngân hàng hiện giữ vai trò quyết định lên/xuống của VN-Index. Trong bối cảnh các blue-chips đang bị bán ra, dòng tiền nội yếu thường tìm đến các mã có giá trị vốn hóa nhỏ với mục tiêu giao dịch “đánh nhanh rút gọn”, nhiệm vụ giữ chỉ số ổn định đang đặt lên vai nhóm ngân hàng.

Tuy nhiên cổ phiếu ngân hàng không thể là phép màu kéo dài mãi bởi những thông tin về xử lý nợ xấu, sáp nhập - hợp nhất, chia cổ tức bằng tiền và bằng cổ phiếu đã phản ánh hết vào giá. Thị giá của cổ phiếu BID đã tăng gần 50% ba tháng qua, của CTG khoảng 25%. Mức tăng trên xuất phát một phần do BID và CTG đi lên từ vùng đáy. Giữ nguyên tốc độ tăng trưởng ấy trong ba tháng tới xem ra rất khó khăn, chưa kể mùa hè thường là thời gian “nghỉ ngơi” của thị trường.

Để “cứu vãn” thị trường, giờ đây cần những “liều thuốc bổ” mới. Vấn đề nới room đang được bàn luận đây đó. Song, nới room chỉ có tác dụng với khoảng 15-20 công ty niêm yết hết room. Hơn nữa kinh nghiệm chỉ ra thị trường đã mệt mỏi với thông tin nới room bị “xào nấu” quá nhiều lần mà văn bản chính thức chưa thấy đâu.

Thách thức của mùa hè

Thách thức nặng nhất là tỷ giá. Biến động của tỷ giá trong quí 1-2015 cho thấy không đơn thuần là mối liên hệ giữa đồng nội tệ và đô la Mỹ, mà đã chịu sức ép quốc tế của các nền kinh tế phát triển. Các ngoại tệ mạnh đang mở rộng đà mất giá, lúc nhanh lúc chậm, như vết dầu loang. Các quốc gia châu Á và Asean cũng thực hiện nới lỏng tiền tệ, làm yếu đồng nội tệ để tránh tình trạng kém cạnh tranh của hàng hóa giá rẻ ngay trên lãnh thổ nước mình.

Được neo với đồng đô la Mỹ, đồng Việt Nam tự thân đã lên giá nhiều so với các đồng tiền khác. Ngân hàng Nhà nước, dù muốn hay không, cũng không thể hành động đơn lẻ, tách rời khỏi xu hướng chung của các ngân hàng trung ương trên thế giới là thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế sự kém cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó về cơ bản tỷ giá hối đoái tiếp tục chịu sức ép điều chỉnh trong trung hạn.
Các cuộc họp của FED trong quí 2-2015 sẽ quyết định vị thế của đồng đô la Mỹ. Cho dù thời điểm FED nâng lãi suất có thể bị trì hoãn, nhưng nó sẽ đến và khi sự trì hoãn càng lâu, phản ứng khi nó đến càng mạnh.

Thách thức thứ hai là điều kiện giảm lãi suất hầu như không còn. Dự trữ bắt buộc tiền đồng đang ở mức thấp, tín dụng tăng và các ngân hàng không còn dư địa hạ lãi suất đầu ra do phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn cho nợ xấu. Đáng chú ý là những khoản ngoại tệ vay nước ngoài, chuyển thành tiền đồng để tận dụng chênh lệch lãi suất đang được mua lại để trả cho đúng hạn. Những khoản vay thương mại đô la Mỹ được cân nhắc kỹ lưỡng hơn nhằm tránh rủi ro tỷ giá. Nhu cầu tiền đồng đã tăng và còn tăng. Ý định của NHNN kiểm soát lãi suất tiền đồng để ngăn chặn đầu cơ ngoại tệ càng ngày càng thể hiện rõ. Sự cộng hưởng đó sẽ khiến lãi suất tiền đồng khó xuống thang.

Thách thức thứ ba là nợ xấu có thể gia tăng từ ngày 1-4-2015. Khoản 3 điều 8 và khoản 1 điều 9 của Thông tư 02/2013/TT-NHNN siết chặt phân loại nhóm nợ. Từ đầu tháng 4-2015 cơ chế cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm chính thức ngừng. Cơ chế này đang thúc ép các ngân hàng mau chóng bán nợ cho VAMC mà bán nợ nhiều là phải trích lập dự phòng nhiều.

Thách thức cuối là sự chia sẻ dòng tiền. Khoảng 289 doanh nghiệp nhà nước sẽ phải hoàn tất cổ phần hóa cho đến hết năm. Giả sử mỗi doanh nghiệp bán cổ phần lần đầu ra công chúng 100 tỉ đồng và giả sử giá IPO bằng mệnh giá (nhiều doanh nghiệp bán hàng ngàn tỉ đồng), thì thị trường cần khoảng 28.900 tỉ đồng để tiêu thụ hết. Tiền nhàn rỗi của dân nằm ở ngân hàng không thiếu, nhưng làm sao để nó chuyển sang mua cổ phần? Nhiều nhà đầu tư đã không còn bỏ tiền vào sàn niêm yết, họ tìm mua doanh nghiệp cổ phần hóa vì hấp dẫn hơn.

Dường như một mùa hè nghỉ ngơi đến sớm đang chờ VN-Index ở phía trước!
Theo Thời Báo Kinh tế Sài Gòn

No comments:

Post a Comment