Các hộ dân và doanh nghiệp sẽ phải vượt qua được bài toán thử sức bền ý chí và vốn...
Các hộ dân và doanh nghiệp sẽ phải vượt qua được bài toán thử sức bền ý chí và vốn...
Lô cây giống đầu tiên trong kế hoạch mục tiêu 5.000 ha của Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn - Ảnh: Quang Thái.
Ái Vân Những ngày này, tại Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco), những cây mắc-ca đầu tiên bắt đầu đi vào thực địa. Phía trước, riêng về thời gian, ít nhất là 5 năm thử thách…Cuối năm 2014, Lasuco lập đề án thí điểm trồng cây mắc-ca trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong khi còn những ý kiến trái chiều, kể cả hoài nghi về giá trị của loại cây này, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, vẫn quyết định triển khai kế hoạch mục tiêu 5.000 ha.
Tại Thanh Hóa, thực tế đã có hộ dân khẳng định thành công với “cây lạ” này. Cây phát triển được, năng suất hạt tăng dần qua mỗi năm, giá trị kinh tế mang lại rõ ràng.
Có lẽ đó cũng là một cơ sở gần gũi để Lasuco quyết định đến với mắc-ca, nó trồng được ở một số điểm ở vùng Bắc Trung Bộ. Công ty lập đội chuyên trách, cử cán bộ vào Tây Nguyên “học nghề”; bản thân ông Tam cũng tự tìm tòi trong những lần ra nước ngoài tìm hiểu thị trường…
Quyết định thí điểm với Lasuco không khó. Là doanh nghiệp, họ có điều kiện về vốn, có những trải nghiệm trong sản xuất kinh doanh để xây dựng những kế hoạch dài hạn để chờ đợi kết quả.
Nhưng điều đó không dễ đối với các hộ dân nói chung, khi chọn theo đuổi cây mắc-ca.
Bảy năm đằng đẵng…
Ông Tam cho biết, bước đầu Lasuco hướng đến mục tiêu tạo vùng nguyên liệu 5.000 ha. Nếu thành công, ông kỳ vọng riêng tại Thanh Hóa sẽ gây dựng được 20.000 ha đến năm 2020 và mắc-ca sẽ là một trong những đóng góp chủ lực cho GDP địa phương này.
Thế nhưng, vị Anh hùng Lao động này cũng thừa nhận, có một khó khăn khi thuyết phục các hộ dân đi theo mình.
Bởi lẽ, thực tế thành công với mắc-ca tại Việt Nam chưa nhiều, vùng Bắc Trung Bộ không hẳn là đắc địa khi so với Tây Nguyên, và quan trọng nhất là quãng thời gian đằng đẵng từ khi trồng cho đến thời điểm có thể cho thu hoạch, thu hồi vốn…
Tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), một thực tế bất ngờ khi có hộ chỉ sau 2 năm cây đã cho thu hoạch và sau 3 năm đã thực sự làm giàu được; thậm chí đến năm thứ 8 đã đạt đỉnh cao 25 kg/cây. Nhưng thuận lợi này không nhiều, ngay cả tại địa bàn lý tưởng về khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam là Lâm Đồng.
Trồng mắc-ca có chi phí ban đầu khá cao, chi phí phát sinh hàng năm cũng đáng kể. Trong khi đó, điểm chung của nhiều hộ dân là nguồn vốn hạn chế, vốn vay trung dài hạn khó với, vay được còn là áp lực lãi suất.
Thử thách lớn nữa là ý chí theo đuổi và sự kiên nhẫn chờ đợi quãng thời gian thông thường phải 5 năm mới có thể thu hoạch mùa đầu, nếu thuận lợi phải 7 năm mới cho lãi.
Đây là quãng thử thách mà Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đặt ra khi xúc tiến đề án phát triển mắc-ca tại Tây Nguyên, cũng như làm cơ sở để hoạch định chính sách hỗ trợ vốn.
Tính toán của đầu mối này cho thấy, trên thực tế thí điểm thành công tại Tây Nguyên, phải mất 5 năm các hộ dân mới thu được bình quân 5 kg hạt/cây. Mức tăng từ 2-3 kg hạt dần lên qua các năm, và đỉnh cao có thể đạt 20 kg/cây sau 10 năm.
Bài toán trở nên thử thách khi cân đối chi phí vốn đầu tư. Tính toán tương đối, nếu trồng thuần, đến năm thứ 5, mỗi ha mắc-ca hộ dân trồng (có chi phí đất và nhân công thuận lợi hơn doanh nghiệp) phải bỏ ra tổng chi phí vốn lũy kế khoảng 199 triệu đồng, trong khi doanh thu chỉ khoảng 120 triệu đồng.
Với năng suất hạt tăng lên những năm sau theo đặc điểm của loại cây này, với giả định giá bán ổn định, phải đến năm thứ 6, ước tính cân đối doanh lũy kế/tổng chi phí lũy kế mới đạt khoảng 288/245 triệu đồng; đến năm thứ 7 mới thực sự cho lãi cao, với cân đối tương ứng khoảng 528/286 triệu đồng.
Với doanh nghiệp, chi phí đầu tư cao hơn, nên theo ước tính trên phải đến năm thứ 7 mới có thể chớm lãi và lãi cao từ năm thứ 8…
Quãng thời gian đó cùng áp lực chi phí, trong khi hiệu quả còn phía trước, là bài toán thử sức bền đối ý chí và quyết tâm của các hộ dân, doanh nghiệp khi đến với cây mắc-ca.
“Thử thách đơn độc”?
Những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, tại một số điểm bán lẻ ở Hà Nội, giá hạt mắc-ca lên tới trên 500.000 đồng/kg. Nó trở nên “xa xỉ” với đại chúng, dù có yếu tố ảo hàng hiếm dịp Tết và đang được một bộ phận người tiêu dùng tò mò tìm mua.
Tìm mua, bởi tại các đô thị như Hà Nội mới chỉ có lẻ tẻ điểm bán, chưa có nhà phân phối lớn. Nguồn hàng chủ yếu nhập khẩu từ Úc và Mỹ.
Tại hội thảo phát triển cây mắc-ca đầu tháng 2 vừa qua, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank, nhấn mạnh trong tham luận của mình rằng: trên thị trường Việt Nam, giá bán có thể từ 150.000 - 300.000 đồng/kg tùy loại và mức độ chế biến. Nhưng khi được sản xuất ở quy mô lớn, giá sẽ về sát mặt bằng thế giới, ở khoảng 60.000 đồng/kg và trở nên đại chúng hơn ở thị trường nội địa.
Thị trường cũng chính là thử thách tiếp theo trong bài toán theo đuổi mắc-ca tại Việt Nam.
Theo tính toán và dự báo của TS. Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, thị trường toàn thế giới đến năm 2020 cần khoảng 220.000 tấn nhân (tương đương với khoảng 650.000 tấn hạt), trong khi dự tính nguồn cung cấp đến thời điểm đó mới chỉ đáp ứng được khoảng 25 - 30% lượng cầu.
Ông Kim Winson, Chủ tịch Hiệp hội Mắc-ca Úc nhận định, dù diện tích mắc-ca toàn thế giới tăng gấp 4 lần thì giá trị vẫn không thay đổi,trong khi loại cây này kén điều kiện khí hậu thổ nhưỡng…
Với câu hỏi đầu ra, một đầu mối triển khai quy mô lớn là Công ty Him Lam tự tin trước hết ở nhu cầu của thị trường nội địa. Công ty này đã đưa ra cam kết bao tiêu toàn bộ cho các hộ dân tham gia Hiệp hội Mắc-ca Tây Nguyên (đang triển khai thành lập), cũng như mua bảo hiểm cho họ trong quá trình sản xuất.
Trong tháng 2/2015, Him Lam cũng đã xúc tiến việc tham gia Hiệp hội Mắc-ca Úc để chủ động hơn về kỹ thuật, công nghệ trong tạo giống, trồng và chế biến sản phẩm, cùng với việc lập đề án xây dựng nhà máy chế biến trực tiếp tại Lâm Đồng.
Phía đầu mối LienVietPostBank cho biết hiện đã sẵn sàng giải ngân nguồn vốn trung dài hạn, lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các hộ dân khu vực Tây Nguyên đầu tư vào loại cây này.
Ở hướng xuất khẩu, với triển vọng cung - cầu nói trên, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành quốc gia có thể mạnh ở mặt hàng mắc-ca.
Tuy nhiên, hướng đi này đòi hỏi chuẩn hóa nguồn giống ngay từ đầu để có chất lượng sản phẩm tối ưu, sớm xây dựng thương hiệu mắc-ca Việt Nam để sẵn sàng nhập cuộc với thế giới trong 5-7 năm tới.
Trong những yêu cầu đó, đến nay các hộ dân và doanh nghiệp vẫn đang đứng trước một thử thách khác: “thử thách đơn độc”. Bởi hiện vẫn chưa có sự vào cuộc cụ thể, có tầm và có chiến lược rõ ràng từ các nhà hoạch định chính sách.
Theo Vneconomy
No comments:
Post a Comment