Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm trên thang điểm 10, xếp thứ 11 trong 12 nước ở châu Á được tham gia xếp hạng.
Nguồn lao động thiếu kỹ năng làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế - Ảnh minh hoạ: Thuỳ Dung |
Đây là thông tin được ông Đặng Xuân Thức – Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đưa ra tại buổi hội thảo: “Phát triển nhân lực qua đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội” diễn ra ngày 11-12 tại Hà Nội.
Ông Thức cho hay, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu công việc chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam liên tục giảm.
Theo báo cáo của WB, năm 2013 năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 70 trên 148 quốc gia và nền kinh tế tham gia xếp hạng, tụt 5 bậc so với năm 2006. "Nếu chất lượng nguồn nhân lực không được cải thiện thì năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ gặp khó khăn lớn" - ông Thức nói.
Theo Tổng cục Dạy nghề, hiện tại, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở nước ta còn thấp, chỉ khoảng 34,9% năm 2013, trong khi các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, “khát" lao động kỹ thuật ngày càng trầm trọng.
Bên cạnh đó, khi Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) được thành lập năm 2015, cũng đặt ra nhiều thách thức cho lao động trong nước. Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thanh Hòa, chất lượng đào tạo nghề hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, nhất là lĩnh vực công nghệ cao. Năng lực, trình độ kỹ năng nghề của giáo viên và cán bộ quản lý còn nhiều hạn chế, cơ sở vật chất nhiều nơi còn lạc hậu, giáo trình chậm đổi mới cập nhật.
Theo các đại biểu tham dự hội thảo, đào tạo nghề phải gắn chặt với nhu cầu xã hội và doanh nghiệp thì mới giải quyết được tình trạng lao động vừa thừa vừa thiếu như hiện nay.
Ông Đặng Xuân Hoan, Tổng thứ ký Hội đồng quốc gia về Phát triển nhân lực, cho hay Hội đồng đã đề ra 5 nhóm giải pháp để áp dụng trong đào tạo nghề thời gian tới.
Đầu tiên, các cơ sở đào tạo nghề cần thành lập hội đồng đào tạo và nghiên cứu nhu cầu thị trường về lao động, trong đó có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp. Song song với đó, cần có sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng giáo trình và hỗ trợ trực tiếp quá trình đào tạo.
Mặt khác, cần có cơ chế để doanh nghiệp đặt hàng cho cơ sở đào tạo. Căn cứ vào thông tin mà doanh nghiệp cung cấp, cơ sở đào tạo sẽ ký kết với doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, để thực hiện được, cơ sở đào tạo phải có cơ quan chuyên trách xúc tiến quan hệ với doanh nghiệp, và các cơ quan sử dụng lao động.
Giải pháp thứ tư, theo ông Hoan, Chính phủ có chủ trương khuyến khích doanh nghiệp thành lập các cơ sở đào tạo. Hiện nay đã có một số tập đoàn lớn thành lập cơ sở đào tạo riêng cho mình. Học viên tốt nghiệp được làm việc ngay tại doanh nghiệp.
Cuối cùng, cần thành lập trung tâm hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Các trung tâm này là cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, thực hiện chức năng phân tích đánh giá, phân tích nhu cầu nguồn nhân lực trên địa bàn, cung cấp và quản lý nguồn vốn của Chính phủ cho người học nghề vay…
(TBKTSG Online) Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp, theo đó, doanh nghiệp sẽ được trừ khi tính thu nhập chịu thuế đối với các khoản chi cho hoạt động đào tạo theo quy định của pháp luật về thuế.
TBKTSG Online
No comments:
Post a Comment