Monday, December 8, 2014

Người Mỹ càng già càng giàu

Những người thuộc “thế hệ trầm lặng” như ông Burkhart được hưởng lợi từ hệ thống y tế ngày càng phát triển, hệ thống an sinh xã hội hào phóng hơn và thoát được thời kỳ đại suy thoái.

Jon Burkhart sinh ra trong thời Đại suy thoái. Khi hai vợ chồng ông kết hôn năm 1959, họ sống ở Texas và mỗi kỳ lương đều bỏ ra 10% để tiết kiệm. Nhờ những khoản đầu tư vào cổ phiếu và bất động sản đúng thời điểm, ở tuổi 81, ông có một cuộc sống khác biệt so với cuộc sống của những người già mà ông biết đến khi còn là một đứa trẻ.

“Chúng tôi đầu tư một cách cẩn trọng, khôn ngoan và cuối cùng đã có được “rổ trứng” khá đẹp khi bắt đầu nghỉ hưu”, Burkhart nói. Hiện ông đang sống trong một trung tâm giành cho người đã nghỉ hưu ở Winston-Salem, North Carolina.

Theo khảo sát về tình hình tài chính của người tiêu dùng được Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện, tài sản ròng trung bình của những người già nhất nước Mỹ đã tăng từ mức thấp nhất ở thời điểm cách đây hai thập kỷ lên mức cao nhất trong các nhóm tuổi. Có thể đây là một tín hiệu không tốt lành cho nền kinh tế bởi nhóm trong độ tuổi lao động thường chi tiêu nhiều hơn so với nhóm người cao tuổi. 

Sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1928 đến 1945, những người thuộc “thế hệ trầm lặng” như ông Burkhart đã được hưởng lợi từ hệ thống y tế ngày càng phát triển, hệ thống an sinh xã hội hào phóng hơn và thoát được thời kỳ đại suy thoái. Đà hồi phục của thị trường chứng khoán và nhà đất kết hợp với phương pháp đầu tư đa dạng giúp họ trở thành “thế hệ người già giàu có nhất từ trước đến nay” (theo lời William Emmons, chuyên gia kinh tế đến từ Fed chi nhánh St. Louis). 

Cụm từ “thế hệ trầm lặng” được tạp chí Time đưa ra lần đầu tiên năm 1951, trong một bài báo miêu tả đây là thế hệ “làm việc chăm chỉ và rất ít nói, thế hệ không hay phát biểu, diễn thuyết”. 

34% trong số những người thuộc thế hệ này tự nhận họ ủng hộ đảng Dân chủ, 32% có thái độ trung lập và 29% ủng hộ đảng Cộng hòa. 

Với người trẻ tuổi nhất trong nhóm cũng bắt đầu nghỉ hưu từ năm 2007, thế hệ này được bảo vệ trước cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai. 

Tính trung bình, năm 2013, một hộ gia đình Mỹ gồm những người từ 75 tuổi trở lên có tài sản ròng đạt 194.800 USD sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát. Con số của năm 1989 là 130.900 USD. Hiện những người thuộc thế hệ trầm lặng đang ở độ tuổi từ 69 đến 86. 

Tuy nhiên, mức tăng này không được chuyển hóa thành chi tiêu tiêu dùng. Kết quả nghiên cứu của JPMorgan Chase cho thấy chi tiêu của các hộ gia đình sẽ đạt đỉnh vào năm 45 tuổi và giảm dần theo từng độ tuổi cao hơn, ngoại trừ chi phí y tế. Đến năm 75 tuổi, sức chi tiêu sẽ giảm khoảng 43%. 

Từ năm 1962 đến 1991, khi thế hệ này ở trong đô tuổi lao động, GDP của nước Mỹ đã tăng trung bình 3,5% mỗi năm. Kể từ đó đến nay, GDP Mỹ tăng trưởng 2,6% mỗi năm. 

Nhà cửa và các tài sản tài chính mà thế hệ này mua được đã tăng giá mạnh mẽ trong mấy thập kỷ vừa qua. Một vài người đặt tiền vào chỉ số S&P 500 từ đầu năm 1977 và khoản đầu tư này đã tăng trưởng gần 14 lần tính đến ngày cuối cùng của tháng 12/2007, tháng mà cuộc suy thoái bắt đầu. Trong khi đó, giá nhà đã tăng 472% kể từ năm 1975. 

Burkhart đã tính toán hoàn toàn chính xác về diễn biến của thị trường bất động sản và TTCK. Sau 30 năm sản xuất và đạo diễn các chương trình truyền hình trực tiếp, ông cùng vợ chuyển tới Maui, Hawaii. Họ đã mua đất ở đây kể từ những năm 1980. Khoảng năm 2008, ông bán ngôi nhà ở Hawaii với lợi nhuận 300% và đổ tiền vào các quỹ tương hỗ khi chỉ số S&P 500 gần chạm đáy thấp nhất 13 năm. 

Qua mấy thập kỷ, nước Mỹ cũng giành những chính sách trợ cấp dành cho người già hào phóng hơn. Tiền trợ cấp bình quân trên đầu người đã được nâng từ mức 4.000 USD trong năm 1960 lên tới 27.975 USD trong năm 2011. Tính theo tỷ trong GDP, chi phí này tăng từ mức 2,1% lên 7,5%. 

Chỉ có 9,5% số người Mỹ trong nhóm từ 65 tuổi trở lên nằm trong diện nghèo đói năm 2013, thấp hơn bất cứ nhóm tuổi nào khác. Năm 1959 tỷ lệ là 35% và đây là nhóm có tỷ lệ nghèo đói cao nhất. 

Các chương trình Medicare và Medicaid giúp nhóm này tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc y tế, do đó họ cũng có tuổi thọ cao hơn. Năm 2009, một người 65 tuổi có thể sống thêm 19,2 năm nữa. Tuổi thọ tăng lên khiến số của cải tăng thêm càng đóng vai trò quan trọng hơn.

Vì một bộ phận không nhỏ dựa vào các khoản đầu tư vào tài sản cố định có lợi suất thấp như trái phiếu chính phủ và nợ của doanh nghiệp, tăng tài sản trở thành công việc khó khăn hơn sau suy thoái. Tuy nhiên, số tiền tích lũy được sau nhiều năm tiết kiệm tỏ ra rất hữu ích.

Cụ bà 88 tuổi Cecilia Fishbein sống trong một viện dưỡng lão ở Florida, nơi bà có thể ăn tối với bạn bè, chơi bài, lướt web và nghe tin tức. Bà đã lớn lên trong thời Đại suy thoái, cưới chồng khi gần 30 tuổi và cùng chồng tích lũy của cải cũng như đầu tư cho sự nghiệp học hành của con cái. 

“Bạn không thể tiêu hết số tiền kiếm được mà phải nghĩ đến tương lai. Chúng tôi sống rất thoải mái, mặc dù không phải là những triệu phú”, cụ nói. 
Theo Infonet/Bloomberg

No comments:

Post a Comment