Saturday, December 6, 2014

Michael Bloomberg – vị thị trưởng 'quái chiêu' của New York

Ngày 5/11/2013, người dân thành phố New York, Mỹ đi bầu thị trưởng mới sau 12 năm dưới sự lãnh đạo của tỷ phú Michael Bloomberg, một thị trưởng đã làm rất nhiều điều để giúp thành phố này “lột xác.

Trong một căn phòng làm việc tại tòa thị chính của Michael Bloomberg, gần chiếc đồng hồ đếm ngược những ngày cuối cùng ông giữ chức Thị trưởng thành phố New York là một bức tranh biếm họa về ông giống một chiếc máy bay trực thăng. Treo trên cửa sổ buồng lái chiếc trực thăng là một chiếc khăn tắm thêu chữ “Bermuda”.

Nhờ vào đế chế tài chính mà ông tạo dựng, Bloomberg đã trở thành một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới: Tạp chí Forbes ước tính khối tài sản của ông lên tới 31 tỷ USD. 

Lẽ tất nhiên, Bloomberg sở hữu một chiếc trực thăng thật sự và có một căn nhà nghỉ cuối tuần ở Bermuda. Vấn đề chỉ là không ai biết bao lâu một lần, ông bay tới hòn đảo đó để chơi golf. 
Tỷ phú, Thị trưởng New York Michael Bloomberg.
Mặc dù vị thị trưởng đã đem tới sự minh bạch cho cơ quan chính quyền thành phố một thời rất “tối tăm” (khẩu hiệu yêu thích của ông Bloomberg là: “Chúng ta tin tưởng vào Chúa. Còn với bất kỳ ai khác, cần yêu cầu họ cung cấp số liệu”), nhưng ông không cảm thấy cần thiết phải chia sẻ đời sống riêng tư của mình với các cử tri. 

Dưới sự lãnh đạo của Thị trưởng Bloomberg, người dân thành phố New York đã trải qua hơn 10 năm nhiều biến cố với thời kì hậu tấn công khủng bố 11/9, đổ vỡ tài chính và “siêu bão” Sandy. Người dân New York đã bầu Michael Bloomberg 3 lần trong đó lần đầu tiên bầu ông làm Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và bầu ông làm Thượng nghị sĩ độc lập sau khi ông tiến hành các chiến dịch tranh cử vô cùng tốn kém và đầy gay cấn (ông Bloomberg đã bỏ ra hơn 100 triệu USD cho chiến dịch tái tranh cử cuối cùng). 

Là tỷ phú, Bloomberg không có bất kì hứng thú nào với việc tham nhũng, ông chưa bao giờ xin tiền quyền góp cho các chiến dịch tranh cử của mình. Sự giàu có cũng giúp ông không phải “xin xỏ” sự yêu quí từ các cử tri của một thành phố nổi tiếng hung hăng. Bloomberg là một giám đốc điều hành chứ không phải một nhà lãnh đạo tìm mọi cách để lôi cuốn cử tri. 

Theo qui định, Michael Bloomberg đã hết thời hạn được tái tranh cử và ngày tại vị của ông chỉ còn vài tuần nữa. Dưới sự lãnh đạo của ông, thành phố New York đã an toàn hơn và sạch sẽ hơn. Nỗ lực giúp người dân New York khỏe mạnh hơn (ví dụ như cấm hút thuốc lá nơi công cộng, tính lượng ca lo cho các món ăn trên thực đơn nhà hàng) đã được đón nhận dù ban đầu bị một số người phản đối. Các trường học được cải thiện mặc dù chưa đều nhau. Tuy vậy, thu nhập thực tế vẫn chưa tăng lên và khoảng cách giàu nghèo đang mở rộng ở mức đáng báo động.  

Một câu hỏi được đặt ra là liệu phong cách lãnh đạo của ông Bloomberg theo chủ nghĩa duy lý chủ yếu dựa trên dữ liệu và ngân sách tự kiếm có đem lại bài học lớn cho chính trường Mỹ hay không. Đôi khi ông Bloomberg được gọi là một chính trị gia theo chủ trương ôn hòa, nhưng điều đó cũng không hẳn chính xác. Ông là người có tư tưởng cấp tiến xét về các vấn đề xã hội như quyền của người đồng tính hay sự ngu xuẩn của tình trạng số tù nhân Mỹ đang quá cao. Nhưng ông cũng khiến những người theo chủ nghĩa cấp tiến nổi giận khi ông bảo vệ chính sách cho phép cảnh sát thường xuyên “sờ gáy” giới thanh niên da đen và nam giới gốc Hispanic. Chính sách “chặn và lục soát” đã làm giảm đáng kể tội phạm và ông phấn khởi nói rằng: “Chính sách dọa nạt bọn trẻ để chúng không mang theo súng bên mình là một phần của chính sách này”. Ngoài ra thành phố còn có những chương trình hỗ trợ thanh niên của các nhóm thiểu số và Bloomberg cho biết quĩ của ông đã tài trợ cho các chương trình này 30 triệu USD. 

Sự kết hợp giữa tư tưởng cấp tiến, tư tưởng bảo thủ và lòng nhân ái rất phù hợp với một thành phố như New York. Nhưng phong cách đó không được cử tri ủng hộ ở cấp chính trường liên bang Mỹ - chính Bloomberg cũng đã âm thầm rút lui khi từ bỏ ý nghĩ chạy đua chức tổng thống vào năm 2008. 
 
Hiện người dân New York đã sẵn sàng đón nhận người lãnh đạo mới. Thị trưởng sắp mãn nhiệm Bloomberg nói rằng nhiều người Mỹ “thể hiện quan điểm của mình bằng hành động”; họ du lịch tới thành phố New York với số lượng kỉ lục, đưa con cái vào học ở các trường công và nộp đơn xin việc vào văn phòng thành phố với danh sách “dài hàng tỉ km”. 

Ông Bloomberg cũng cho rằng, ngay cả tình trạng thu nhập bất bình đẳng cũng là kết quả của nỗ lực thu hút giới “siêu giàu”, những người thường xuyên lui tới các cửa hiệu và nhà hàng đồng thời đóng góp nhiều thuế cho chính quyền. Nhưng ngày bầu cử 5/11 chắc chắn sẽ là ngày chiến thắng của nhân vật đảng Dân chủ có tư tưởng cấp tiến hơn, Bill de Blasio, người vẫn điều hành chiến dịch chống Bloomberg, “thề” sẽ tăng thuế thu nhập đối với giới siêu giàu và đánh vào tâm lý lo lắng của cử tri về một thành phố lộng lẫy mà nhiều người cho rằng New York không thể kham nổi. 

Bên ngoài New York, giới bảo thủ nhìn nhận Bloomberg là tai họa, một lãnh đạo xấu xa chỉ biết rầy la, một kẻ bỏ hàng triệu USD cho các chiến dịch chính trị để lén gán những giá trị của một thành phố lớn vào tư tưởng tầng lớp trung lưu Mỹ. 

Các chương trình của ông Bloomberg từ cải cách giáo dục cho tới kiểm soát sử dụng súng, đã đẩy ông vào các cuộc tranh cãi ở qui mô toàn nước Mỹ. 
Thị trưởng Bloomberg và nhóm “Các thị trưởng chống lại nạn sử dụng súng trái phép”.
Không phải lúc nào tiền của nhà tài phiệt này cũng được chào đón. Thống đốc bang Colorado và là đảng viên đảng Dân chủ, John Hickenlooper, vừa bóng gió rằng ông không cần tiền của nhóm“Các thị trưởng chống lại nạn sử dụng súng trái phép” với sự tài trợ của Bloomberg để chống lại các chính trị gia bảo vệ quyền sử dụng súng bởi lẽ chính trường ở bang Colorado không thích bên ngoài “nhúng mũi” vào chuyện nội bộ của bang này. 

Những người ủng hộ thì cho rằng ông Bloomberg là người đi tiên phong của chính trị kiểu mới. Những cuốn sách như cuốn “Nếu các thị trưởng lãnh đạo thế giới: Các quốc gia đang chệnh choạc và các thành phố đang trỗi dậy” cho rằng các thành phố đã có quyền lực tuyệt đối trong việc giải quyết bế tắc do sự đối đầu giữa 2 đảng (Cộng hòa và Dân chủ). Đối với những người ủng hộ Bloomberg, các thành phố đang khuyến khích cách giải quyết vấn đề một cách thực tế bởi lẽ các thị trưởng đã được thêm quyền giải quyết các vấn đề quá rõ như thu gom rác, chống tội phạm và cải thiện các trường học. Họ trích câu nói của Fiorello LaGuardia, cựu thị trưởng New York rằng: “Không có cách sửa cống thoát nước nào theo kiểu Cộng hòa hay Dân chủ cả”. 

Những người ủng hộ mong muốn Bloomberg mở rộng vai trò của mình ra toàn cầu với tư cách là người bảo trợ cho các thị trưởng, thông qua các cơ quan như C40, một mạng lưới các thành phố lớn trên thế giới đang từng bước làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Có vẻ ông Bloomberg sẽ đi theo mong muốn của những người ủng hộ. Ông cho rằng chính quyền quốc gia và chính quyền bang phải “mạnh tay” với những nhiệm vụ như phân bổ lại tài sản từ người giàu có sang người nghèo. Ông cũng cho rằng thủ đô Washington đã cho thấy tình trạng “sụp đổ, đóng cửa và sự chia rẽ “vô phương cứu chữa” giữa hai đảng (Dân chủ và Cộng hòa)”. Trong khi đó, “ các thị trưởng có năng lực trên khắp nước Mỹ đang làm những việc có tính đổi mới”. 

Nhưng không phải tất cả các thị trưởng đều làm tốt tốt, hay không bị “đàm tiếu” về phân phối thu nhập. Dù ai trở thành thị trưởng New York đi nữa thì các nghiệp đoàn sẽ đòi phải kí các hợp đồng mới, hào phóng hơn. 

Sự thực thì các thành phố năng động của Mỹ đã thu hút nhiều người giàu có sẵn sàng san sẻ một chút tài sản của mình để việc đi lại trên các con phố trở nên an toàn thay vì phải sống ở vùng ngoại ô “kín cổng cao tường”. Nhưng đó là vấn đề về chính trị chứ không phải là quá trình điều hành, quản lý.
Ông Bloomberg đã làm được rất nhiều điều cho thành phố New York. Có lẽ người Mỹ nên ăn mừng nếu ông ấy dành những năm tháng tiếp theo giúp các thành phố khác thay vì đi chơi golf. 

Theo Infonet

No comments:

Post a Comment